Bến Tre: Mục tiêu, giải pháp chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

19/12/2022 - 09:54

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số là giải pháp then chốt, có vai trò thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới (NTM) thông minh. Nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 7610/KH-UBND thực hiện Chương trình chuyển đổi số (CĐS) trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021 - 2025.

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân nông thôn thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T. Đồng

Mục tiêu của chương trình

Chương trình CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh và thực hiện đến hết năm 2025.

Kế hoạch xác định rõ, mục tiêu đến năm 2025, phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động trong xây dựng NTM. Theo đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số. Có ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Trong việc thực hiện các đầu việc, 100% số xã đạt chỉ tiêu 8.4 của tiêu chí (TC) số 8 về thông tin và truyền thông theo Bộ TC xã NTM; 50% số xã đạt chỉ tiêu 8.4 của TC số 8 về thông tin và truyền thông và 50% số xã đạt chỉ tiêu số 15.2 của TC số 15 về hành chính công theo Bộ TC xã NTM nâng cao. Có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chỉ tiêu 9.5 của TC số 9 về an ninh trật tự - hành chính công theo Bộ TC huyện NTM; 25% đơn vị cấp huyện đạt chỉ tiêu 6.5 của TC số 6 về kinh tế, 25% đơn vị cấp huyện đạt chỉ tiêu 9.2 của TC số 9 về an ninh trật tự - hành chính công theo Bộ TC huyện NTM nâng cao. 100% cán bộ quản lý các cấp được tập huấn, nâng cao năng lực về CĐS.

Mục tiêu cũng đề ra phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, với 100% xã có các hợp tác xã, 60% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số. Đối với xã hội số, có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất 1 dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM thông qua ứng dụng trực tuyến.

Phấn đấu để tỉnh có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa…), làm cơ sở để tổng kết và đề xuất trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành Bộ TC xã NTM thông minh giai đoạn 2026 - 2030.

Giải pháp thực hiện

Để triển khai thực hiện các mục tiêu trên, các cấp ngành tỉnh tập trung cho công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực về CĐS trong xây dựng NTM. Hướng dẫn, tập huấn về CĐS, áp dụng về CĐS trong xây dựng NTM. Đặc biệt, các tài liệu về phát huy vai trò của cộng đồng dân cư tham gia CĐS, góp phần xây dựng NTM hiệu quả, bền vững. Tổ chức các hội nghị, các đợt tập huấn, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng cho cán bộ xây dựng NTM các cấp, doanh nghiệp, người dân và cộng đồng ở khu vực nông thôn về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, theo dõi, giám sát, thẩm định, công nhận địa phương đạt chuẩn NTM. Cập nhật cơ sở dữ liệu về NTM trên nền tảng dữ liệu lớn đồng bộ, kết nối và liên thông từ cấp xã đến Trung ương để phục vụ công tác quản lý, hoạt động đánh giá, thẩm định địa phương đạt chuẩn NTM. Triển khai phần mềm lấy ý kiến sự hài lòng của người dân trong xây dựng NTM ở địa phương, nhằm tăng cường hơn nữa vai trò giám sát và phản biện của tầng lớp nhân dân đối với hoạt động xây dựng NTM. Triển khai phần mềm phục vụ công tác thẩm định, xét công nhận địa phương đạt chuẩn NTM các cấp.

Thí điểm xây dựng các mô hình kinh tế số, mô hình thúc đẩy phát triển xã hội số, cộng đồng số liên thông với chính quyền cơ sở. Đăng ký, xây dựng thí điểm mô hình kinh tế số, phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn.

Thí điểm mô hình thúc đẩy phát triển xã hội số, nâng cao năng lực tiếp cận thông tin liên thông của người dân, cộng đồng gắn với công tác quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở và dịch vụ công trực tuyến, các hoạt động quản lý cộng đồng, như: an ninh trật tự, môi trường, dịch vụ du lịch; các dịch vụ trực tuyến phục vụ đời sống người dân.

Theo Báo Đồng Khởi