Bến Tre: Ngư dân vượt khó, bám biển

03/08/2022 - 10:05

Mấy tháng nay, giá dầu và các vật tư đầu vào phục vụ ngành khai thác thủy sản tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đánh bắt của ngư dân. Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngư dân vẫn quyết tâm vượt khó, vươn khơi bám biển. Một số tàu hoạt động cầm chừng hay nằm bờ chờ giá dầu hạ nhiệt để tiếp tục khai thác thủy sản.

Tàu đánh bắt thủy sản tại cảng cá Bình Thắng (Bình Đại).

Ngư dân gặp khó

Những chuyến biển đầu năm, khi giá dầu tăng cao làm hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Ngư dân Trương Thanh Tiến, ngụ xã  Bình Thắng (Bình Đại) có 2 chiếc tàu đánh bắt xa bờ cho biết: “Mấy chuyến biển gần đây hầu như bị lỗ do chi phí dầu, nước đá, thực phẩm phục vụ đánh bắt thủy sản đều tăng. Trước đây, chuyến đi biển khoảng 3 tháng của tôi tốn chi phí khoảng 2 tỷ đồng nhưng giờ đội giá lên 3 tỷ đồng nên gặp rất nhiều khó khăn. Bây giờ, nếu định vị được luồng cá thì đánh, còn không thì neo tàu lại chứ không dám di chuyển như trước đây vì sợ tốn nhiều chi phí. Hầu hết các dịch vụ đều có tàu trung chuyển chở ra ngoài biển cung ứng hay vận chuyển thủy sản vào bờ nên đỡ tốn chi phí”. Theo ông Tiến, vừa rồi, giá dầu giảm mấy đợt ngư dân phấn khởi vì đỡ gánh nặng chi phí. Hiện nay, đang vào vụ chính của mực ống nên hy vọng trúng mùa sẽ bù lại các chuyến biển trước.

Những tàu hoạt động chủ yếu cầm chừng để giữ chân lao động. Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ xã An Thủy, huyện Ba Tri) có 8 chiếc tàu chuyên cào đôi ngoài khơi quyết tâm bám biển dù gặp rất nhiều khó khăn do giá nhiên liệu, vật tư phục vụ nghề cá tăng cao. Ông Dũng cho biết: “Trung bình một năm có 4 chuyến biển thì đầu năm đến nay các chuyến biển đều lỗ hoặc hòa vốn nên chủ yếu hoạt động cầm chừng để giữ chân gần 80 lao động trên tàu. Gần đây, khi giá dầu giảm, ngư dân hy vọng những chuyến biển cuối năm sẽ bù lại những chuyến biển lỗ từ đầu năm. Trong thời điểm giá cả tăng như hiện nay, tôi kiến nghị Nhà nước có giải pháp hạ giá dầu, các ngân hàng giảm lãi suất để ngư dân tiếp tục hoạt động”.

Hiện tại, toàn xã An Thủy có 965 chiếc tàu, trong đó có 803 chiếc đánh bắt xa bờ. Đối với những tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ còn có thể cầm cự được để giữ chân lao động, còn những tàu công suất nhỏ, cào đơn thua lỗ phải nằm bờ. Tại xã ven biển An Thủy - nơi có lượng tàu đánh cá ngoài biển lớn nhất huyện Ba Tri mấy tháng nay tàu nằm bờ nhiều hay chỉ hoạt động cầm chừng vì giá nhiên liệu tăng cao.

Chủ tịch UBND xã An Thủy Trần Văn Hồng cho biết: “Qua nắm tình hình, hầu hết các tàu đánh cá đều bị thua lỗ nên nằm bờ hay hoạt động cầm chừng do giá nhiên liệu tăng. Thường mỗi chuyến biển, chủ tàu bị lỗ vài chục triệu là bình thường nhưng cũng chấp nhận hoạt động để giữ chân lao động trên tàu. Nếu không, lao động không có việc làm, bỏ việc thì những chuyến biển sau việc kiếm lao động lại càng khó khăn hơn”. Theo ông Hồng, hiện tàu của địa phương nằm tại bến khá ít mà chủ yếu ở các tỉnh lân cận như: Bạc Liêu, Cà Mau. Khi tàu nằm bến nhiều sẽ kéo theo hàng loạt ngành nghề khác trên bờ như: buôn bán thủy sản, làm cá khô, dịch vụ hậu cần nghề biển… cũng ế ẩm theo. Từ đó, tác động mạnh mẽ tới tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân vùng ven biển.

Giảm chi phí để bám biển

Trong thời điểm bão giá như hiện nay, những tàu đánh bắt thủy sản đã thay đổi cách hoạt động nhằm giảm tối đa nhiên liệu. Ngư dân Phạm Văn Hồng, ngụ xã An Thủy (Ba Tri) có 1 chiếc tàu chuyên nghề lưới đánh bắt cá mồi dầu với 12 lao động đã tiết kiệm mọi chi phí liên quan trong thời bão giá như hiện nay. Trước đây, một chuyến biển 4 ngày chiếc tàu của ông tốn chi phí khoảng 25 triệu đồng thì giờ đã tăng lên gần 40 triệu đồng nên gặp rất nhiều khó khăn. Gia đình ông chủ yếu hoạt động cầm chừng và thay đổi cách đánh bắt để đỡ tốn nhiên liệu, giảm chi phí cho chuyến đi biển. Ông Hồng cho biết: “Khi giá dầu tăng, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn nên chủ yếu cầm cự, còn lại thì chấp nhận nằm bờ. Bây giờ chuyến đi biển thường xuất phát sớm hơn vài giờ để chạy ga nhỏ ra biển nhằm đỡ tốn nhiên liệu. Khi đánh bắt không có cá phải nằm lại ngoài biển thêm vài ngày để mong có lời chút đỉnh chia cho lao động trên tàu. Tuy vậy, có chuyến cũng bị lỗ nên chuyến trúng cá sẽ bù cho chuyến thất để cầm cự”.

Toàn tỉnh có 3.780 tàu đánh bắt thủy sản ngoài biển, chủ yếu tập trung tại ba huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội cho biết: “Hiện nay, do giá nhiêu liệu, vật tư đầu vào phục vụ khai thác thủy sản tăng mà giá thủy sản không tăng nên nhiều ngư dân gặp khó khăn. Trong đó, lỗ nặng nhất là các tàu đánh lưới đơn ở biển Tây. Hiện tại, theo thống kê có khoảng 60% tàu khai thác ở biển Tây phải nằm bờ với khoảng 300 chiếc; còn lại các tàu cào đôi, câu mực cũng hoạt động cầm chừng ngoài biển”.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh xem xét các chính sách hỗ trợ ngư dân. Trong đó, đề nghị khoanh nợ, giãn nợ đối với các hộ đang vay vốn tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, tăng mức cho vay vốn lưu động cho ngư dân mua dầu và chi phí cho chuyến biển nhằm giúp ngư dân vượt qua khó khăn trong thời điểm bão giá như hiện nay.

Theo THÀNH CHÂU (Báo Dồng Khởi)