Bến Tre: Người “giữ nhịp” cho các phong trào tại Vàm Bảy

22/01/2024 - 09:44

Ông Phan Văn Chí sinh năm 1958, tại xóm Vàm Bảy, ấp An Bình, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú là một trong những gương tiêu biểu trong công tác vận động nhân dân tham gia các mô hình kinh tế và các phong trào ở địa phương, góp phần xây dựng thành công xã An Nhơn đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. “Quyết đoán nhưng hiền lành, chân thật, sống chan hòa và hết mình vì công việc được giao”, đó là những gì người dân nơi đây nói về ông.

A A

Ông Phan Văn Chí bên ruộng tôm - lúa sạch.

Ông Phan Văn Chí là người “giữ nhịp” các phong trào do địa phương phát động ở khu vực Vàm Bảy, ấp An Bình. Dù đã gần tuổi 70, nhưng ông rất nhạy bén, năng nổ, nhiệt tình, tâm huyết với nhiệm vụ được giao. Ông luôn là người tiên phong trong vận động thuyết phục người dân nơi đây nghiêm túc chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những chủ trương lớn liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích chính đáng của người dân như: hiến đất làm giao thông nông thôn và các mô hình sản xuất, kinh tế, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Vào năm 2019 - 2020, xã An Nhơn triển khai xây dựng công trình giao thông nông thôn (tuyến đường ĐX02), chiều dài hơn 5km, với tổng kinh phí trên 42 tỷ đồng. Công trình này đi qua toàn bộ đất nuôi trồng thủy sản của người dân. Ông Chí là người gương mẫu, đã hiến 1.500m2 đất để địa phương làm tuyến đường này. Ngoài ra, ông còn được địa phương tin tưởng giao nhiệm vụ vận động tất cả các hộ dân trong khu vực hưởng lợi để hiến đất làm đường. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, ông là người tiên phong, đi đầu phối hợp với Chi bộ ấp An Bình và các ngành có liên quan tham gia vận động tất cả các hộ gia đình nằm trong phương án giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình. Kết quả, có 20 hộ dân đồng ý hiến đất với diện tích hơn 15.000m2. Ngày nay tuyến đường rộng mở, thông thoáng không chỉ là huyết mạch trong giao thương kinh tế mà còn là niềm kiêu hãnh của người dân nơi còn lưu giấu những chiến công hiển hách trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Không dừng lại việc vận động nhân dân hiến đất, ông Chí còn tập hợp những hộ dân nơi đây tham gia vào Tổ hợp tác (THT) Vọp, hoạt động theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Dù bước đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của ông Chí, THT Vọp cũng được thành lập. Lúc đầu, có 15 thành viên và đi vào hoạt động từ năm 2021 cho đến nay. Vốn cổ phần những ngày mới thành lập chỉ 50 triệu đồng và đến năm 2023 lên đến 30 tổ viên, với số tiền trên 100 triệu đồng.

Ông Chí đã tận dụng diện tích đất bãi bồi ven sông Vàm Bảy để nuôi vọp. Đồng thời, ông đã liên kết với các cơ sở để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm tiềm năng này. Đây là vọp nuôi thiên nhiên. Thịt vọp thơm, mềm có thể chế biến được nhiều món ăn phù hợp nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi vụ thu hoạch, sau khi trừ các khoản chi phí, THT Vọp lợi nhuận trên 30 triệu đồng. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình tổ viên.

Bên cạnh đó, ông Phan Văn Chí còn tranh thủ sự hỗ trợ của UBND xã thông qua nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp để kêu gọi các dự án về đầu tư cho người dân ở khu vực mình. Vừa qua, UBND xã An Nhơn đã chọn các hộ nuôi tôm ở Vàm Bảy để làm điểm thực hiện mô hình tôm - lúa sạch, với diện tích 20ha. Dự án này được Công ty Minh Phú tài trợ. Đây là một trong những mô hình lớn nhất của huyện Thạnh Phú nói chung và xã An Nhơn nói riêng, kinh phí đầu tư hơn 6 tỷ đồng, được Công ty Minh Phú đầu tư trọn gói. Kết quả mô hình đầu tư năm 2022 cho thấy, hầu hết các hộ dân trong mô hình đều có lợi nhuận cao, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và có tính bền vững lâu dài.

Dù được giao bất cứ công việc gì, ông Phan Văn Chí luôn hoàn thành tốt. Khi nhắc tới ông, nhiều anh em ở địa phương cứ gọi vui ông là “già làng khu vực Vàm Bảy”. Ông là người “giữ nhịp” các phong trào hành động cách mạng của địa phương và là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Theo THÀNH LONG (Báo Đồng Khởi)