Bến Tre: Nhạc sĩ Võ Đăng Tín và bản giao hưởng thơ “Ký ức Đồng khởi”

17/01/2024 - 15:54

Phong trào Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre mãi ghi dấu ấn trong lòng người dân xứ Dừa về một cao trào cách mạng mang tính lịch sử. Hồi ức về cuộc Đồng khởi trên quê hương được nhạc sĩ Võ Đăng Tín chuyển tải trong bản giao hưởng dài 9 phút. Các chương đoạn trong bản nhạc được tấu lên như làm “sống dậy” một cuộc Đồng khởi hào hùng năm nào.

A A

Nhạc sĩ Võ Đăng Tín (bên phải) trao kinh phí cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh mua xe lăn cho người khuyết tật, số tiền được ông trích từ giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật.

Bản giao hưởng độc đáo

“Người Việt Nam viết được nhạc giao hưởng à?” - một nhạc sĩ từ nước bạn hỏi ông Võ Đăng Tín (lúc này ông Tín là Trưởng phái đoàn nhạc giao hưởng của Việt Nam) - ngay sau khi dàn nhạc Việt Nam chơi bản giao hưởng thơ Ký ức Đồng khởi tại Hàn Quốc. “Bản này của tôi, là tôi viết” - nhạc sĩ Võ Đăng Tín trả lời. Lập tức bạn bè quốc tế trố mắt nhìn ông, họ nói: “Đất nước ông triền miên trong chiến tranh mà ông viết được, còn viết hay nữa...”.

Khi bản giao hưởng thơ “Ký ức Đồng khởi” tấu lên tại Nhật Bản, một nhạc trưởng người Mỹ lại nói với Võ Đăng Tín: “Ông biết ai sáng tác bài này không, hãy chỉ người đó cho tôi, hoặc giúp tôi liên lạc”. “Để làm gì?” - ông Tín hỏi. Người Mỹ trả lời: “Tôi muốn mua nó, nhưng tôi không đem theo thẻ ngân hàng. Tôi chỉ có tiền mặt trong người và số tiền này không biết đủ hay không...” - người Mỹ vừa nói vừa chìa ra một xấp tiền USD. “Bản nhạc này của tôi viết, nhưng các ông mua để làm chi?” - ông Tín hỏi tiếp. “Chúng tôi mua để đánh cho người Mỹ nghe và dạy cho sinh viên của chúng tôi” - nhạc trưởng người Mỹ nói. “Vậy thì tôi sẽ tặng bản nhạc này cho các ông” - nhạc sĩ Võ Đăng Tín đã trao ngay cho người bạn Mỹ bản Giao hưởng thơ Ký ức Đồng khởi và không nhận một đồng tiền nào.

Bản giao hưởng thơ “Ký ức Đồng khởi” sáng tác năm 1982 đạt giải thưởng Nhà nước, được biểu diễn nhiều lần ở các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Xéc-bi-a... Đến 40 năm sau, bản giao hưởng này mới được người Việt Nam biết tới. Bởi vì thể loại nhạc giao hưởng không phổ biến ở nước ta. “Đây là tác phẩm của cả một cuộc đời người nghệ sĩ, là đứa con tinh thần của mình. Tôi không dám tự hào nói về giải thưởng, chỉ thấy rằng mình đã phấn đấu cả đời cộng thêm phần mình may mắn nữa”, nhạc sĩ Võ Đăng Tín chia sẻ.

Nhạc giao hưởng như cuốn tiểu thuyết. Nó sẽ có nhiều chương. Sau này, do thời gian thưởng thức của thính giả không còn nhiều, bản nhạc thường được gom thành 1 chương, gọi là hình thức Sonata. Bản Sonata giao hưởng thơ “Ký ức Đồng khởi” dài khoảng 9 - 10 phút. Hiệu ứng của một bản giao hưởng đem tới cảm xúc mỗi người mỗi khác nhau tùy theo kiến thức, lứa tuổi của mỗi người. Với bản giao hưởng thơ “Ký ức Đồng khởi”, người nghe như được thấy lại hình ảnh quê hương Bến Tre năm 1960 dưới đuốc lá dừa. Các chị, các mẹ, các chiến sĩ và hình ảnh “Đội quân tóc dài”... tiến công địch bằng ba mũi giáp công.

Bản nhạc nhắc nhớ một cách cảm động về phong trào Đồng khởi năm 1960 đến cao trào phá “Ấp chiến lược” (1964 - 1965), nhân dân Bến Tre đã góp phần đập tan “quốc sách” ấp chiến lược của địch, cùng với toàn miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Chân dung nhạc sĩ Võ Đăng Tín

Nhạc sĩ Võ Đăng Tín, sinh ngày 22-10-1950 trong một gia đình có truyền thống cách mạng, tại ấp Giồng Chuối, xã An Đức, huyện Ba Tri. Ông là con của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Phẩm. Mới 10 tuổi, Võ Đăng Tín đã là liên lạc của phong trào Đồng khởi Bến Tre. Cuối năm 1963, cậu bé Võ Đăng Tín được cử đi học ở trường miền Nam tại Hà Nội. Năm 1972, Võ Đăng Tín học sáng tác với thầy Thế Bảo, Trường Âm nhạc Việt Nam, Hà Nội. Sau năm 1975, Võ Đăng Tín học với Giáo sư Ca Lê Thuần, tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh.

Nhạc sĩ Võ Đăng Tín chia sẻ về quá trình cuộc đời mà ít người biết: “Tôi theo âm nhạc lúc 12 - 13 tuổi, đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Càng đi vào chuyên môn âm nhạc, tôi càng thấy nó mênh mông như biển. Vì thế, tôi không dám nói mình giỏi. Tôi chỉ có sự phấn đấu theo vốn liếng kiến thức của nhân loại đã gặt hái, của dân tộc mình và vốn liếng của riêng mình, từ bạn bè và tập thể mà mình đang sống...”.

Nhạc sĩ Võ Đăng Tín từng dạy sáng tác ở Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, giữ chức Giám đốc Nhà hát giao hưởng - nhạc - vũ - kịch TP. Hồ Chí Minh. Ông còn là Tổng Thư ký Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh cho đến khi về hưu. “Âm nhạc Võ Đăng Tín trữ tình lắng đọng sâu sắc và thành công từ thể loại ca khúc, hợp xướng, đến khí nhạc. Những ca khúc như: Khúc hát tôi yêu, khúc hát Tân Bình, Hoa dừa, Tiếng hát xứ dừa, Mênh mông Sài Gòn... rất chân thành và dịu dàng trầm lắng như con người tác giả”, Giáo sư - Tiến sĩ Nhạc sĩ Thế Bảo viết về Võ Đăng Tín trong lời giới thiệu “Tuyển tập ca khúc - hợp xướng Gởi tình theo sóng nước Hàm Luông” của nhạc sĩ Võ Đăng Tín, xuất bản năm 2020.

Một trái tim trao về quê hương

Khi dàn nhạc Nhật Bản, Mỹ, châu Âu họ đánh bản giao hưởng thơ “Ký ức Đồng khởi”, tôi luôn nói họ nên đọc câu tôi viết tặng trong bài nhạc “Kính tặng cha tôi và các đồng bào, đồng chí của ông trong cuộc Đồng khởi năm 1960 tại Bến Tre”. Lúc đó cha tôi còn sống, ông luôn nói tôi “Con bỏ ngành văn đi học ngành khác”. Cha tôi khó lắm. Ông muốn tôi theo ngành khác. Ông cụ cũng như bao người lớn tuổi thời đó, cho âm nhạc là ngành “vớ vẩn”, nhạc sĩ Võ Đăng Tín kể. Được biết, nhạc sĩ Võ Đăng Tín đã từ chối cơ hội đi du học Đức ngành Triết học để học âm nhạc và điều này làm phật lòng cha của ông - tức cụ Võ Văn Phẩm.

“Những năm làm giám đốc Nhà hát giao hưởng - nhạc vũ kịch TP. Hồ Chí Mình, dù rất bận rộn, Võ Đăng Tín vẫn viết được vũ kịch “Chuyện tình non sông” và giao hưởng thơ “Ký ức Đồng khởi”. Giao hưởng thơ khắc họa những hồi ức của chú bé liên lạc Đồng khởi Bến Tre năm 1960. Ở đây, tác giả không miêu tả nhiều về sát phạt chinh chiến mà là những cảm xúc dâng trào. Chính vì vậy, giao hưởng thơ “Ký ức Đồng khởi” khi dàn nhạc giao hưởng ở Mỹ biểu diễn, nhạc công, nhạc trưởng cũng như người nghe ở Mỹ, ở nước ngoài và Việt Nam dễ dàng đồng cảm với tác giả Võ Đăng Tín”, Giáo sư - Tiến sĩ - Nhạc sĩ Thế Bảo.

“Tuyển tập ca khúc - hợp xướng Gởi tình theo sóng nước Hàm Luông” của nhạc sĩ Võ Đăng Tín có 38 bản nhạc, trong đó, 33 ca khúc và 5 bản hợp xướng. Ông phát hành 1 ngàn cuốn để tặng cho quê hương Bến Tre và những ai yêu thích: “Có người bạn nói với tôi, xứ sở Bến Tre của ông xài bài hát nhiều lắm. Ông cố gắng in tuyển tập đi. Thế là tôi gom các bài hát đã sáng tác, đem đi in bằng tiền túi chỉ để tặng riêng cho Bến Tre quê mình”, nhạc sĩ Võ Đăng Tín kể. Tuyển tập có nhiều bài hát về Bến Tre như: Gởi tình theo sông nước Hàm Luông, Về Ba Tri nhớ nhà thơ Đồ Chiểu, Sông Thom và mùa xuân...

Nhạc sĩ Võ Đăng Tín là người sáng tác tác phẩm “Giao hưởng thơ Ký ức Đồng khởi”. Ông là 1 trong 112 tác giả, cố tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật vào tháng 10-2022. Giải thưởng Nhà nước là giải thưởng cấp quốc gia quan trọng thứ hai của nước ta, do Chủ tịch nước ký quyết định, tặng thưởng cho những tác giả có một hoặc nhiều công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về khoa học, văn học, nghệ thuật, nội dung tư tưởng có tác dụng và ảnh hưởng lớn trong xã hội.

Theo THẢO TRẦN (Báo Đồng Khởi)