Bến Tre: Những tình tiết cảm động về kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát

25/02/2023 - 09:14

Từ những ngày còn là sinh viên, chàng trai nghèo học giỏi Huỳnh Tấn Phát thường xuyên bị đói. Cho đến khi đã là nhà lãnh đạo của một quốc gia, đời sống của ông vẫn một mực thanh bần.

A A

Tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát.

Một tấm gương tỏa sáng

Tại Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát diễn ra vào ngày 15-2-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài diễn văn gây xúc động, nhất là đối với những người đã từng biết, có tìm hiểu về kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Bài diễn văn của Thủ tướng Chính phủ có đoạn: “Là một kiến trúc sư nổi tiếng, Huỳnh Tấn Phát có nhiều điều kiện để sống một cuộc sống dư dả về vật chất và danh lợi. Nhưng kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã từ bỏ cuộc sống giàu sang cá nhân để đến với Đảng, với cách mạng.

Từ khi dấn thân vào con đường cách mạng cho đến hơi thở cuối cùng, đồng chí luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng mà mình đã chọn, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, trước Đảng và nhân dân. Những cống hiến to lớn và tấm gương sáng ngời của đồng chí sẽ còn in đậm trong tâm khảm đồng bào, đồng chí, mãi mãi được toàn Đảng, toàn dân ta trân trọng, ghi nhớ, biết ơn”.

Từ những lời thuật lại của chính kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát với người thân hoặc qua bạn bè, chúng tôi xin thuật lại một số tình tiết cảm động về ông.

Quyển hồi ký “Đám cưới giữa mùa thu” của bà Bùi Thị Nga (vợ kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát) có ghi chép lời ông kể với bà, lúc này cả hai ông bà đã cảm mến nhau nhưng chưa cưới: “Tôi (kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát) ra Hà Nội năm 1933. Học bổng không bao nhiêu. Nên mỗi lần tựu trường hàng năm, ba má và bà con gom góp cho ít tiền dằn túi. Còn sau đó thì tôi tự lực xoay sở là chính. Thông thường hai hoặc ba sinh viên thuê chung một căn phòng nhỏ của gia đình nào đó ở gần trường. Tôi thay đổi chỗ ở luôn”. Kế đó, ông cho biết vì sao phải “thay đổi chỗ ở luôn” là do “tìm nơi nào rẻ hơn và rẻ hơn...”.

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát kể cho cô bạn Bùi Thị Nga nghe những năm tháng thường xuyên bị đói: “Lên năm thứ 4, đôi khi tôi thiết kế và xây nhà cho số người ít tiền. Chú Một (tức chú Mười Một là luật sư Huỳnh Văn Phương, hai chú cháu thân như anh em) biết vụ này phê bình tôi: “Thằng này cả gan, chưa ra trường mà đã dám thiết kế và xây dựng! Có ngày nhà sập, ở tù không ai gỡ nổi! Túng quá thì cầm cái manteau - áo mặc mùa đông - của chú Một cho. Áo khá đẹp nên cầm có giá lắm. Áo này không giúp tôi chống rét, mà chống những cơn cào ruột. Cũng không phải một mình tôi đem cầm nó đâu, mấy người bạn tôi, ai cần cũng mượn đi cầm. Thế rồi, mấy tiệm cầm đồ đã nhẵn mặt cái áo. Lại phải tìm những tiệm xa hơn... Tôi thuộc loại ăn trước trả sau. Lần hồi thành nếp quen nên vẫn sống thoải mái”.

Kế đó, chàng trai trẻ Huỳnh Tấn Phát kể về kỷ niệm ăn cơm tháng ở nhà của hai ông bà già, nhiều sáng đói quá, phải mua đỡ miếng kẹo đậu phộng ăn dằn bụng, mà mua ghi sổ khi nào có tiền mới trả. Năm đó, 30 Tết, Huỳnh Tấn Phát cùng anh bạn vì mãi vui thú hái lộc ngày xuân nên đi quá giờ giao thừa. Vì hai anh chàng không có đồng xu dính túi nên không dám về nhà “xông đất” nhà ông bà già (nơi thuê trọ), đành phải “bát” phố, hết phố này sang phố khác. Đi cho hết đêm xuân, dưới trời mưa phùn lạnh buốt. Đến sáng cũng chưa dám về. Phải ráng chờ tới hơn 8 giờ, mới ló mặt về...”.

Cuộc sống thanh bần

Ở Hà Nội, ông Huỳnh Tấn Phát cũng có người thân khá giả, quyền cao chức trọng nhưng ông không bao giờ phiền hà họ. Thím Một (vợ luật sư Huỳnh Văn Phương) kể về đôi giày rách há mồm mà Huỳnh Tấn Phát mang thời sinh viên. Thím Một kể với bà Bùi Thị Nga: “Tính Phát như vậy. Hết mình với bạn, rất tình cảm nhưng rất cứng cỏi. Không muốn phiền hà và thọ ơn ai. Nhất là đối với người quyền cao chức trọng”.

Trong quyển hồi ký “Đám cưới giữa mùa thu”, bà Bùi Thị Nga nhớ đến ước mơ của chồng lúc gần cuối đời: “Anh ao ước có một chiếc Honda, để khi về hưu chở vợ hay cháu nội, cháu ngoại đi chơi. Nghe vậy, muốn trêu anh tôi nói: “Anh chưa đủ tiền sắm chiếc xe đạp tốt, làm sao mua được Honda”. Anh cười và làm thinh theo kiểu của anh”. Kể cả lúc cuối đời, đồng chí Huỳnh Tấn Phát còn không có căn nhà riêng. Điều này được các kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam xác nhận.

Còn rất nhiều thông tin về “kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã từ bỏ cuộc sống giàu sang cá nhân để đến với Đảng, với cách mạng”, nhưng trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi xin lược trích một số chi tiết nhỏ này. Tựu trung cảm nhận của chúng tôi khi đọc tài liệu về cụ Huỳnh Tấn Phát, nghe những lời kể từ các nhân chứng đã từng sinh sống và làm việc với cụ Huỳnh Tấn Phát, chúng tôi không khỏi xúc động. Dường như mọi trí lực, tâm lực của cụ đã dành hết cho cách mạng, cho dân tộc. Cụ sống thẳng một đường, trung thành tuyệt đối, khiêm nhường và thân ái với tất cả mọi người - nhân cách của cụ Huỳnh Tấn Phát quả là một tấm gương sáng ngời - sưởi ấm cho những tâm hồn một lòng phụng sự Tổ quốc, yêu sự thanh bần, liêm khiết.

Theo Báo Đồng Khởi