Bến Tre: Nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản

08/08/2022 - 14:28

Quá trình chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra mạnh mẽ và tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong ngành nông nghiệp (NN), bên cạnh từng bước ứng dụng công nghệ số (CNS) vào canh tác, các khâu liên kết, tiêu thụ nông sản của nông dân hiện nay đều không còn xa lạ gì với công nghệ. Nông dân hiện đại đang ngày càng thích nghi với một xã hội số nhanh chóng, tiện lợi.

Nông dân Tân Phú ứng dụng công nghệ số trong trao đổi, buôn bán nông sản.

Nông dân công nghệ

“Hồi trước thì mình gọi điện thoại cho thương lái tới vườn xem. Sau đó, hai bên mới trao đổi mua bán. Còn bây giờ, mình chỉ cần chụp hình hoặc quay clip sản phẩm, trao đổi với thương lái, người mua trực tiếp qua Zalo hoặc Facebook”, bà Nguyễn Thị Thinh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) NN Tân Phú, huyện Châu Thành cho biết. Bà Thinh rất phấn khởi và tự hào vì đã biết sử dụng thành thạo các kênh mạng xã hội để mua bán sầu riêng và điều hành công việc của HTX thời gian qua. Không riêng gì bà Thinh, HTX NN Tân Phú, với 253 thành viên thì có 2/3 nông dân tham gia cũng thành thạo chuyện mua bán nông sản qua mạng.

Bà Thinh cho biết thêm, khi có trái cây, bà chụp hình, đăng lên Zalo, Facebook để giới thiệu. Thương lái, bạn hàng từ đó sẽ liên hệ giao dịch. Là chủ vườn, bán hàng bao tiêu chất lượng sản phẩm nên việc liên lạc, giao dịch qua Zalo, Facebook rất tiện cho đổi trả, bù hàng. “Nếu hàng của mình có hư hao gì thì khách có thể chụp hình hoặc quay clip báo ngay. Lúc đó, mình có thể xác định ngay và đổi trả theo mức độ ngay lúc đó, không bị phát sinh những vấn đề tiếp theo”, bà Thinh nói.

Thông qua mạng xã hội, góp phần quảng bá rộng rãi hàng hóa nông sản, việc kết nối. Kết nối CNS nhanh chóng cũng giúp cho nông dân cập nhật kịp thời về giá cả thị trường, nông sản bán được giá hơn. Bên cạnh đó, tận dụng kết nối CNS, bà Thinh và các thành viên trong tổ hợp tác, HTX và nhóm tư vấn kỹ thuật tạo được nhóm Zalo giúp cho việc trao đổi thông tin, công việc của tổ hợp tác, HTX cũng như hướng dẫn kỹ thuật được nhanh chóng, tiện lợi hơn.

Nhiều nông dân như bà Thinh hiện đã biết và đang sử dụng thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt. Bà Thinh cho biết thêm: “Tôi thấy sử dụng thanh toán trực tuyến rất tiện lợi. Bà con đã cài ứng dụng của ngân hàng trong điện thoại, có thể chuyển tiền thanh toán ngay. Ban đầu cũng sợ rủi ro nhưng khi sử dụng rồi thì thấy rất tiện lợi”.

Với đà phát triển như vậy, nhiều nông dân như bà Thinh và HTX NN Tân Phú sẵn sàng tiếp cận, đẩy mạnh ứng dụng CNS để canh tác chất lượng, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiến tới đưa trái cây đặc sản của địa phương lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, làm du lịch để nâng cao giá trị nông sản. Tiếp tục hoàn thiện chuỗi liên kết đầu vào, đầu ra, xây dựng uy tín cho HTX.

HTX NN Tân Phú thành lập tháng 12-2020, có tổng diện tích 1.450ha cây ăn trái, trong đó 700ha sầu riêng, 350ha chôm chôm còn lại các loại cây ăn trái khác như bưởi, chuối, chanh, tắc. Trái cây tiêu thụ theo đường tiểu ngạch, xuất khẩu đi Trung Quốc 70%, còn lại 30% thị trường trong nước. HTX có 253 thành viên, tham gia VietGAP 45 hộ, sản lượng 516 tấn sầu riêng VietGAP/năm.

Kinh doanh nông sản CĐS

Ở góc độ doanh nghiệp (DN), tại hội nghị về CĐS vừa qua, bà Ngô Tường Vy - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, huyện Chợ Lách đã chia sẻ những yếu tố về CĐS mà DN đang thực hiện trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, tại vùng nguyên liệu, DN đã hỗ trợ tư vấn nông dân CĐS như thực hiện truy xuất nguồn gốc từ vùng nguyên liệu đến tay người tiêu dùng bằng mã QR Code, bằng ứng dụng Trace Chain, quản lý quy trình canh tác, quá trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giúp người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc sản phẩm.

Tại DN, đơn vị cũng ứng dụng phần mềm mã QR Code truy xuất quá trình sơ chế, đóng gói, xuất hàng của DN. Công ty còn chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử, áp dụng mô hình quản lý nhân sự, quản lý dữ liệu, trao đổi dữ liệu của các phòng, ban, giao việc, kiểm tra công việc của nhân viên trên phần mềm điện tử. Bên cạnh đó, công ty còn phát triển kênh bán hàng của công ty thông qua các trang thương mại điện tử như: Alibaba cho kênh xuất khẩu theo hình thức B2B. Sắp tới, công ty sẽ triển khai kênh bán hàng nội địa thông qua các kênh như: Shopee, Lazada, Tiki… cho hình thức B2C.

CĐS NN là cơ hội để Việt Nam thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị để thay vào đó là một nền NN phát triển minh bạch, hiệu quả và mang lại giá trị về niềm tin cho người tiêu dùng, tạo tiền đề cho các DN có thể tự tin phát triển sản phẩm đến thị trường xuất khẩu.

Theo bà Ngô Tường Vy, để việc CĐS mang lại hiểu quả thực sự thì cần bắt đầu từ người nông dân. Đa số nông dân đang sản xuất nhỏ lẻ, thiếu kiến thức về công nghệ, quen sản xuất theo kiểu manh mún, ngắn hạn, việc tuân thủ về tiêu chuẩn, chất lượng còn hạn chế. Điều này dẫn đến việc chúng ta có nhiều đơn vị, công ty công nghệ đưa ra các ứng dụng quản lý NN nhưng khi đưa vào thực tế thì chưa hiệu quả. Thêm vào đó, hạ tầng số hóa chưa được đầu tư đúng mức, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, các hộ nghèo…

Một nguyên nhân khác là chi phí đầu tư công nghệ và áp dụng kỹ thuật số vẫn còn khá cao với nhà nông nhỏ lẻ. CNS chỉ phù hợp với các HTX, hoặc nhà nông có diện tích lớn, đủ điều kiện kinh tế tài chính để có thể áp dụng CĐS vào NN.

Theo bà Ngô Tường Vy đề xuất, cần có phương án và kế hoạch đồng bộ số hoá ngành NN, xây dựng cơ sở dữ liệu, hỗ trợ chi phí cho nông dân chưa có điều kiện từng bước tiếp cận kỹ thuật số trong nông nghiệp, hỗ trợ nông dân CĐS về truy xuất nguồn gốc, quản lý quy trình công tác sản xuất bằng nhật ký điện tử.

Cần nâng cao nhận thức và khả năng ứng dụng CNS trong NN của nông dân thông qua truyền thông, đào tạo, tập huấn kỹ năng. DN và nông dân đồng hành tạo ra chuỗi liên kết bền vững. Có sự cam kết mạnh mẽ từ người nông dân trong vấn đề hợp tác với DN trong chuỗi liên kết, minh bạch, trung thực trong sản xuất, liên kết chuỗi.

Về phần DN, cần mạnh dạn đầu tư, áp dụng mô hình quản lý trên cơ sở dữ liệu số hóa, truy xuất nguồn gốc từ nguyên liệu đến thành phẩm, áp dụng mô hình quản lý nhân sự, điều hành sản xuất bằng phần mềm điện tử, phát triển kênh bán hàng thông qua các trang thương mại điện tử. Để CĐS cho ngành NN của Việt Nam thành công và phát triển trong thời gian tới thì mỗi chúng ta từ nông dân, DN, cơ quan quản lý địa phương cần nghiêm túc trau dồi, học hỏi từng ngày bằng tinh thần trách nhiệm, bằng lòng tự tôn dân tộc để đóng góp vào sự phát triển cho sản phẩm thương hiệu Việt Nam, tự tin bước ra thương trường quốc tế.

Theo Kế hoạch CĐS của Bộ NN và Phát triển nông thôn, năm 2022 sẽ xây dựng thí điểm từ 2 - 3 mô hình mẫu về sản xuất, kết nối NN thông minh có quy mô vùng, mô hình “Làng CĐS, xã CĐS”. Tạo điều kiện, thúc đẩy các tổ chức, DN, cá nhân đầu tư, tài trợ, tăng cường nghiên cứu các CNS, phát triển các nền tảng số, hoạt động dữ liệu số, tạo ra các dịch vụ nội dung số về NN và phát triển nông thôn phục vụ xã hội, phát triển nền kinh tế số. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản, phát triển ngành nghề, dịch vụ du lịch NN, nông thôn trên nền tảng trực tuyến (Diễn đàn kết nối nông sản 970) và trên cơ sở dữ liệu cung cầu của các tổ công tác của Ban Chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, các hiệp hội, ngành hàng, DN, các bộ, ngành và địa phương.

Bên cạnh đó là phát triển nông dân số, nông thôn số. Cụ thể là phối hợp với các bộ, ngành triển khai chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho các DN NN, HTX NN, nông dân, xây dựng chương trình khung đào tạo về CNS, CĐS cho hệ thống các trường đào tạo thuộc bộ, xây dựng các câu lạc bộ cộng đồng “Kết nối CĐS”.

Theo Báo Đồng Khởi