Trước đó, 2 con bò nuôi trong tổng đàn 114 con của hộ dân tại Giao Thạnh và Hòa Lợi có biểu hiện bệnh lở mồm long móng. Ngành chuyên môn kiểm tra và lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Chi cục Thú y vùng VI thông báo kết quả, cả hai mẫu bệnh phẩm dương tính với vi-rút lở mồm long móng type O.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre đã kiểm tra tình hình dịch bệnh, thu thập thông tin dịch bệnh; đang tập trung triển khai các giải pháp chống dịch bệnh. Tiếp tục thống kê đàn trâu, bò tại 2 xã có dịch và các xã lân cận; đôn đốc các huyện, thành phố hoàn tất công tác tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng đợt 2 năm 2020. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi nên thực hiện vệ sinh chuồng trại, đẩy mạnh các giải pháp phòng chống dịch bệnh.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có trên 225 ngàn con bò, nuôi tập trung ở các huyện: Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú... Thời gian gần đây, bệnh lở mồm long móng xuất hiện rải rác trên đàn bò, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
* Dịch tả heo châu Phi hiện đã tái xuất hiện trở lại ở một số tỉnh, trong đó có huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang). Đây là địa phương giáp xã Tam Hiệp (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), nên nguy cơ ảnh hưởng đến tỉnh rất cao. Vì vậy, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh đã triển khai ứng phó theo kịch bản phòng chống dịch tả heo châu Phi.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh tái đàn heo ước đạt khoảng 70% tổng số thiệt hại của năm 2019. Ảnh: Thu Hiền
Ông Trần Quang Thái - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre cho biết, chi cục đã thông tin đến trạm thú y xã, huyện để theo dõi, giám sát bến phà nối huyện Tân Phú Đông với Tam Hiệp. Nếu trạm thú y địa phương phát hiện vận chuyển heo qua lại nhiều thì sẽ báo cáo chi cục để tổ chức lực lượng trực, kiểm soát và tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ ở khu vực gần bến phà.
Theo LÊ ĐỆ - THU HIỀN (Báo Đồng Khởi)