Ông Đặng Ngọc Ấu chăm sóc đàn dê từ nguồn hỗ trợ chương trình “5+1”.
Thoát nghèo nhờ mô hình “5 + 1”
Năm 1978, chàng thanh niên Đặng Ngọc Ấu khi ấy mới 19 tuổi đã viết đơn tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Sau 8 năm học tập, chiến đấu đến năm 1986, ông xuất ngũ trở về quê hương lập gia đình, làm ăn sinh sống. Gia đình cho 1 công đất (1.000m2) chỉ đủ cất căn nhà và khoảng sân phía sau chẳng có hoa lợi gì nên ông phải làm phụ hồ, thợ sơn hay ai thuê gì làm nấy, cuộc sống khá khó khăn.
Năm 2017, ông Ấu được Hội CCB xã Thạnh Trị xét cho mượn 8 triệu đồng từ chương trình “5 +1” (5 CCB khá giúp đỡ 1 CCB khó khăn) để ông phát triển kinh tế gia đình. Ông Ấu kể lại: “Thời điểm đó tôi định nuôi bò nhưng nguồn vốn ít quá nên chuyển qua mua 2 con dê giống về nuôi. Khi dê đẻ, tôi chừa dê nái lại để nhân số lượng lên, còn dê đực thì bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Nhờ vậy đàn dê cứ tăng dần, đến nay đã 45 con. Sau đó, tôi trả lại tiền vốn đã mượn ban đầu để tiếp tục cho những đồng đội khác mượn. Hiện tại, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ bán dê gần 100 triệu đồng”.
Tuy vậy, để thành công, bản thân ông Ấu phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Đầu tiên là việc chưa có kinh nghiệm nên dê dễ bị bệnh sình bụng chết làm hao hụt lớn. Sau đó, ông tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê nên dần có kinh nghiệm khắc phục được tình trạng trên. Ngoài ra, vấn đề tìm nguồn thức ăn cho dê cũng rất nan giải khi gia đình ông không có đất để trồng cỏ. Vì vậy, hàng ngày ông phải đi khá xa đến tận các bờ ruộng, bờ ao tôm để cắt cỏ dại mang về mới có thức ăn cho dê. Nhờ kiên trì, việc chăn nuôi của ông mới dần mang lại hiệu quả. Nhờ thu nhập từ bán dê thịt, ông Ấu có tiền nuôi 2 đứa con học đại học. Hiện tại, đứa lớn đã ra trường có việc làm ổn định, đứa nhỏ vừa tốt nghiệp đại học và đang tiếp tục học lên cao học tại TP. Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị Lê Minh Vũ cho biết: Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, CCB Đặng Ngọc Ấu rất chí thú làm ăn nhưng gia đình ít đất sản xuất nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Sau đó, nhờ có nguồn vốn từ Hội CCB xã giúp đỡ nên gia đình ông đã phát triển mô hình nuôi dê để thoát nghèo, vươn lên khá giả. Ông Ấu là tấm gương điển hình vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế gia đình ở địa phương.
Lan tỏa mô hình
Khi kinh tế gia đình khá giả, CCB Đặng Ngọc Ấu đã tình nguyện giúp đỡ đồng đội bằng cách cho mượn dê giống để phát triển chăn nuôi. Ông Ấu cho biết: “Đầu tiên tôi cho người đồng đội Mười Vẹn (Võ Văn Vẹn, hội viên Hội CCB xã Thạnh Trị) mượn 2 con dê nái để chăn nuôi và đến nay anh Vẹn đã tăng đàn lên hơn 10 con. Sau đó, tôi cho anh Sáu Ký cũng là CCB trong xã mượn dê giống để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, có gần chục hộ là đồng đội mượn nguồn dê giống của tôi. Bản thân tôi luôn có tâm nguyện giúp đỡ những đồng đội khi họ cần nguồn con giống để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên khá giả như mình”.
Hiện tại, gia đình ông Ấu dự định sẽ xây dựng thêm chuồng trại để phát triển mô hình chăn nuôi dê và sẵn sàng giúp đỡ những hộ gia đình khó khăn, ít vốn bằng cách cho mượn con dê giống. Với những thành tích đạt được, ông Ấu nhiều lần nhận giấy khen của các cấp Hội CCB: Năm 2023, ông Ấu vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc qua 2 năm thực hiện phong trào thi đua yêu nước tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.
Chủ tịch Hội CCB xã Thạnh Trị Bùi Minh Chiến cho biết: “Hiện tại trên địa bàn, mô hình “5+1” đã phát huy hiệu quả cao để giúp CCB phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, đã phát triển 4 mô hình “5+1” gồm: nuôi dê, nuôi bò, nuôi thỏ và bán tạp hóa… giúp gần 20 hộ là CCB phát triển kinh tế, vươn lên khá giả. Trong đó, mô hình nuôi dê của ông Ấu mang lại hiệu quả cao giúp nhiều đồng đội phát triển kinh tế”.
Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lê Công Trường cho rằng, sau 5 năm thực hiện mô hình “5+1” đã trở thành phong trào vận động phát triển kinh tế tập thể, thực hiện tốt công tác giảm nghèo, xóa nghèo trong Hội CCB các cấp. Đồng thời, đây là nhiệm vụ chính trị, mục tiêu thi đua sôi nổi, rộng khắp của phong trào thi đua “CCB gương mẫu” và phong trào CCB hưởng ứng tích cực thi đua “Đồng khởi mới” theo Chỉ thị số 01-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động. Từ đó, giúp cho hộ hội viên CCB nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả.
Theo báo cáo của Hội CCB tỉnh, qua 5 năm hình thành và đi vào hoạt động, tỉnh đã có 3.802 mô hình “5+1” ở hầu khắp các chi hội, phân hội với 24.521 thành viên tham gia. Các nhóm mô hình “5+1” vận động giúp vốn cho hộ nghèo sản xuất với số tiền hơn 112 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều mô hình giúp cây trồng, vật nuôi các loại, cho mượn đất sản xuất, ngày công lao động để tạo điều kiện cho hộ nghèo sản xuất phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Theo THÀNH CHÂU (Báo Đồng Khởi)