Bến Tre: Tập trung cải thiện và nâng cao thứ hạng các chỉ số

31/07/2024 - 15:12

Qua công bố của các cơ quan Trung ương, năm 2023, các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh lần lượt được xếp hạng như sau: Chỉ số PAPI: xếp hạng thứ 52/61; Chỉ số PCI: xếp hạng thứ 7/63, tăng 6 bậc so với năm 2022; Chỉ số SIPAS: xếp hạng thứ 42/63, giảm 1 bậc so với năm 2022; Chỉ số PAR INDEX: xếp hạng thứ 54/63 tỉnh, tăng 2 bậc so với năm 2022; Chỉ số PGI: xếp hạng 19/63, tăng 43 bậc so với năm 2022.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cẩm Trúc

Nguyên nhân chỉ số bị tụt giảm

Ngày 18-7-2024, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị phân tích, đánh giá các chỉ số liên quan đến công tác CCHC (PAPI, PCI, PGI, PAR INDEX, SIPAS) và công bố Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố năm 2023 nhằm tìm ra nguyên nhân tụt giảm thứ hạng của các chỉ số, cũng như nhìn nhận một cách thấu đáo các hạn chế, yếu kém của tỉnh mà Trung ương đã đánh giá, đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Theo phân tích, đánh giá của các cơ quan chuyên môn về các chỉ số, có rất nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế của bộ máy hành chính là nguyên nhân dẫn đến các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX tuy có tăng hạng nhưng vẫn còn một số lĩnh vực và chỉ số thành phần chưa đạt điểm, giảm điểm, giảm thứ hạng; Chỉ số SIPAS tuy tăng tỷ lệ nhưng thứ hạng vẫn bị giảm 1 bậc và một số tiêu chí và chỉ số thành phần cũng bị giảm điểm, giảm thứ hạng. Các chỉ số thành phần giảm điểm, giảm thứ hạng cần phải kể đến là: (1) Công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công (Chỉ số PAPI); (2) Chính sách về trật tự, an toàn xã hội; thái độ giao tiếp của công chức ở bộ phận một cửa (Chỉ số SIPAS); (3) Lĩnh vực cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số (Chỉ số PAR INDEX); (4) Tiếp cận đất đai; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý (Chỉ số PCI).

Để cải thiện và nâng cao thứ hạng các chỉ số, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và nhân dân cần phải nỗ lực, phấn đấu rất nhiều, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra đầu năm. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tạo sự hài lòng, niềm tin của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính; cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định và tăng thu ngân sách.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Cẩm Trúc

Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Các ngành, các cấp trong tỉnh cần quan tâm thực hiện một số giải pháp trong thời gian tới như sau:

Một là, căn cứ các báo cáo phân tích, đánh giá các chỉ số có liên quan đến công tác CCHC, tiến hành kiểm điểm việc làm được, chưa làm được, trách nhiệm của các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và khẩn trương đề ra và thực hiện quyết liệt các biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém được chỉ ra. Nghiêm túc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tổ chức thực hiện công tác CCHC.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, đặc biệt các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đảm bảo hoàn thành 100% các nhiệm vụ được giao đúng thời hạn; chủ động triển khai kế hoạch kiểm tra CCHC, đảm bảo đạt chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền CCHC; nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng các sáng kiến, giải pháp liên quan đến lĩnh vực CCHC. UBND tỉnh cần có những cơ chế tạo động lực, khích lệ các tập thể, cá nhân có nhiều sáng kiến thiết thực hơn nữa nhằm đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện tiếp tục xác định nhiệm vụ CCHC, cải thiện và nâng cao các chỉ số là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cấp bách trong năm 2024 và những năm tiếp theo; đẩy mạnh CCHC một cách quyết liệt, đồng bộ, theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, có hiệu quả cao. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện CCHC. Kiên quyết xử lý, kỷ luật nghiêm minh những cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực.

Hai là, sử dụng hiệu quả kết quả Chỉ số PCI, PAPI và SIPAS năm 2023 trong chỉ đạo, điều hành CCHC tại các sở, ngành, địa phương và có biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng cách làm mới, mô hình hay tạo động lực thúc đẩy CCHC và nhân rộng những mô hình, cách làm hay trong thực hiện CCHC.

Ba là, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật là giải pháp căn bản để bảo đảm tính khả thi của pháp luật. Các giai đoạn liên quan đến chính sách, gồm: hoạch định chính sách, phân tích chính sách, đánh giá tác động chính sách, nên được xác định là khâu trọng yếu trong quy trình xây dựng chính sách ở địa phương. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan bảo đảm quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật để khi ban hành sẽ là những chính sách tốt, chính sách luôn khả thi và luôn có lợi cho người dân, có lợi cho sự phát triển chung của tỉnh. Ủy ban MTTQ các cấp quan tâm, thực hiện tốt việc giám sát, phản biện chính sách.

Bốn là, đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định của Chính phủ; thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn theo đúng quy định. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC; xử lý nghiêm các trường hợp công chức (đặc biệt đối với cấp xã) lợi dụng, quyền hạn để trục lợi thông qua các TTHC liên quan đến đất đai. Cần phải rà soát, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng trên địa bàn tỉnh.

Năm là, chủ động, nhanh chóng giải quyết kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư đang triển khai hoạt động trên địa bàn; nâng cao trách nhiệm phối hợp của các sở, ngành, địa phương trong giải quyết TTHC, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh của các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án. Cần có cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các cá nhân thực hiện các dịch vụ về đất đai, xin giấy phép xây dựng; cần phân định rõ quan hệ giữa cán bộ, công chức xã và các đối tượng thực hiện các dịch vụ này.

Sáu là, tổ chức triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng lấy người dân làm trung tâm; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc xây dựng văn hóa công vụ lấy người dân làm trung tâm trong toàn ngành, lĩnh vực, địa phương. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn cao. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết công việc cho người dân, xử lý nghiêm minh công chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, người dân ngày càng hài lòng hơn. Trong tuyển cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh, tiếp tục thực hiện đúng quy định của pháp luật; đảm bảo đúng quy trình, tính cạnh tranh, công khai, minh bạch. Thực hiện tốt việc thông tin rộng rãi đến người dân qua các phương tiện thông tin, để có thể thu hút, lựa chọn được người phù hợp phục vụ trong cơ quan nhà nước các cấp.

Bảy là, tập trung triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ về xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả trong tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị và phục vụ cho nhân dân tốt hơn. Các huyện, thành phố thường xuyên chỉ đạo các xã, phường, thị trấn nâng cao chất lượng hoạt động Tổ chuyển đổi số cộng đồng, tập trung hướng dẫn cho người dân việc khai thác các biểu mẫu, TTHC, cách thức thực hiện TTHC trực tuyến trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, phải thường xuyên rà soát, gỡ bỏ các TTHC đã bãi bỏ, cập nhật các biểu mẫu TTHC mới. Thường xuyên nâng cấp cổng thông tin điện tử/ Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đảm bảo dễ dàng truy cập, sử dụng cũng như tăng mức độ tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.

Tám là, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp học, trang thiết bị dạy học; nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn, đảm bảo cho dạy và học ở các cấp, bậc học tốt hơn. Tiếp tục nâng cao chất lượng các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã; đầu tư nâng cấp một số trang thiết bị hiện đại cho các bệnh viện, để phục vụ công tác khám, chữa bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thông tin khám, chữa bệnh, nhằm giảm thiểu các TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về y đức, về kỹ năng giao tiếp và các quy tắc ứng xử trong đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế; có giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế.

Cần tăng cường tuyên truyền người dân, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phát huy vai trò giám sát việc bảo vệ môi trường ở địa phương. Nâng cao năng lực quản lý của cơ quan hành chính nhà nước về bảo vệ môi trường; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc xử lý chất thải của doanh nghiệp; đảm bảo chất thải được xử lý đúng theo quy định; nâng cao vai trò, vị trí của các cấp chính quyền, người dân trong việc bảo vệ nguồn nước trên địa bàn. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường nước ở địa phương.

Theo ĐĂNG PHONG (Báo Đồng Khởi)