Bệnh dịch tả heo Châu Phi: Phải luôn cảnh giác, không để dịch bệnh tiếp tục tái phát

03/11/2020 - 09:15

Cho heo ăn thức ăn thừa, cho người lạ ra vào khu vực chăn nuôi, không đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học,… là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng tái phát bệnh dịch tả heo Châu Phi ở một số huyện trong tỉnh từ tháng 5-2020 đến nay.

Khu vực chăn nuôi cần kiểm soát chặt chẽ người ra vào.

Dịch bệnh còn tái phát

Bệnh dịch tả heo Châu Phi tái phát không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn khiến cho người chăn nuôi hoang mang, lo lắng.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT), sau nhiều tháng bệnh dịch tả heo Châu Phi được khống chế, các địa phương công bố hết dịch thì đến tháng 5/2020, bệnh dịch tả heo Châu Phi đã tái phát trở lại.

Đến nay đã có 5 ổ dịch bị phát hiện ở 8 xã thuộc các huyện: Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ, Trà Ôn, Bình Tân, TX Bình Minh, đã tiêu hủy trên 200 con heo.

Mới đây (tháng 10/2020), một ổ dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi đã phát hiện tái phát ở xã Hiếu Nghĩa, đã tiêu hủy 13 con heo. Hay một ổ dịch đã xuất hiện trên địa bàn xã Trà Côn (Trà Ôn), đã được ngành chức năng phối hợp xử lý tiêu hủy với số lượng 77 con heo.

Cụ thể, tại Vũng Liêm, theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, tình hình dịch bệnh trên heo vẫn diễn biến hết sức phức tạp, người chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đàn. Bà Lê Ngọc Yến- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm cho biết: Từ tháng 6/2020 đến nay, trên địa bàn huyện phát hiện 2 ổ dịch tả heo Châu Phi, tiêu hủy gần 30 con với trọng lượng trên 800kg.

Nguyên nhân dịch bệnh tái phát do điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại không đảm bảo an toàn sinh học và chưa có vắc xin phòng bệnh. Theo đó, ngành chuyên môn phối hợp với UBND các xã, hộ chăn nuôi cũng đã thực hiện các biện pháp phòng chống và xử lý ổ dịch theo đúng quy định.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, bệnh dịch tả heo Châu Phi còn diễn biến phức tạp, đặc biệt vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, trong khi hầu hết các ổ dịch bị chôn hủy ngay trong khu đất vườn nhà nên mầm bệnh vẫn còn tồn lưu và nguy cơ tái phát dịch rất cao nếu không thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học.

Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y- cho biết: Bệnh dịch tả heo Châu Phi tái phát trong mấy tháng qua xuất hiện ở các hộ chăn nuôi đã có dịch và cả các hộ chăn nuôi chưa có dịch trước đó, số lượng tiêu hủy chủ yếu là heo con.

Nguyên nhân lớn nhất gây tái phát dịch bệnh là do người chăn nuôi còn sử dụng thức ăn cặn, thừa, cho người lạ vào chuồng.

Trong đó, do khi xuất chuồng, người chăn nuôi bán heo không đồng loạt, bán “lắt nhắt” cho thương lái ra vào khu vực chăn nuôi, thương lái lại đi nhiều nơi, trong khi bệnh dịch tả heo Châu Phi cũng đã xuất hiện ở một số tỉnh khác.

Do đó, thương lái có thể bắt nhầm phải heo mang mầm bệnh và dính mầm bệnh trên quần áo, dẫn đến nguy cơ làm “nguồn dẫn” phát mầm bệnh ở các hộ chăn nuôi khác.

Đó là chưa kể, mùa này thời tiết bất lợi, cộng thêm tình hình vận chuyển gia súc vẫn diễn ra sôi động, việc truyền mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác là chuyện rất dễ xảy ra. Do đó, không bỏ lơi vấn đề an toàn sinh học.

Không bỏ lơ vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học

Để ngăn chặn và khống chế không để dịch lây lan và tái phát, tại Trà Ôn, ngay sau khi phát hiện ổ dịch tả heo Châu Phi, Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện cùng chính quyền các địa phương đã phối hợp xử lý, ngăn chặn, hướng dẫn các hộ gia đình ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh môi trường, đặc biệt chuyển sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại, nhằm khống chế dịch bệnh trên đàn vật nuôi, hướng đến phát triển ngành chăn nuôi an toàn, bền vững.

Tại Vũng Liêm, bà Lê Ngọc Yến cũng cho biết: Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tăng cường giám sát bệnh dịch tả heo Châu Phi, khi phát hiện dịch bệnh sẽ nhanh chóng thực hiện công tác phòng, chống dịch theo đúng quy định.

Đồng thời, tuyên truyền người chăn nuôi heo thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi.

Ông Lê Thanh Tùng cho rằng: Dịch tả heo tái phát ở một số hộ trong thời gian qua là do người chăn nuôi có tâm lý còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh. Do đó, tuyệt đối phải cảnh giác với dịch bệnh, không bỏ lơi vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học.

Khuyến cáo tuyệt đối không nên nuôi heo bằng thức ăn thừa, tuy thức ăn thừa có thể nấu chín lại nhưng mầm bệnh có thể dính trên dụng cụ đựng thức ăn thừa như xô, chậu, thau,…

Phải đảm bảo tuân thủ các vấn đề bảo hộ khi ra vào khu vực chăn nuôi, luôn tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phải xem đây là cách chăn nuôi an toàn và lâu dài chứ không phải chỉ để đối phó với bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Đồng thời, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán heo để nuôi thương phẩm và heo đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan.

Có thể thấy, cách để loại trừ bệnh dịch tả heo Châu Phi tái phát chính là người dân phải nâng cao ý thức chăn nuôi, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, chăn nuôi an toàn sinh học, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, định kỳ tiêu độc khử trùng, tiêm phòng cho đàn vật nuôi, tuyệt đối không được chủ quan để bảo vệ đàn heo- đặc biệt đàn heo giống để tái đàn sau khi hết dịch.

Muốn tái đàn phải chọn con giống an toàn

Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Thời gian qua, tại một số địa phương khác có xuất hiện tình trạng người chăn nuôi nôn nóng tái đàn nhưng do thiếu nguồn cung nên mua heo giống không rõ nguồn gốc, trôi nổi từ các thương lái bán rong. Người mua chỉ chốt giá qua điện thoại rồi thương lái giao heo giống đến nhà mà không đến tận nơi kiểm tra chất lượng heo, công tác phòng bệnh tại chuồng trại như thế nào nên không được kiểm soát nguồn giống sạch bệnh. Trong khi đó, thường những điểm mua bán heo này là “bán lén, bán lậu” trốn trạm kiểm dịch, xuất hiện “cò heo” mua đi bán lại, dẫn đến rất khó kiểm soát chất lượng con giống. Tuy nhiên, ở Vĩnh Long chưa xuất hiện tình trạng này. Do đó, nếu muốn tái đàn bên cạnh tuân thủ các vấn đề chăn nuôi an toàn, người nuôi phải chọn nguồn con giống an toàn, chất lượng, đảm bảo sạch bệnh.

Theo THẢO NGUYÊN (Báo Vĩnh Long)