Năm 2018, ĐBSCL tiếp tục đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây, với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,43 tỷ USD. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng thị trường, thích ứng hơn với biến đổi khí hậu (BĐKH), đảm bảo chất lượng và năng lực cạnh tranh.
Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đang nhanh chóng hoàn chỉnh chương trình tổng thể để phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng BĐKH vùng ĐBSCL, theo hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Để thực hiện chủ trương này, các tỉnh thành trong vùng đang từng bước áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.
Cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL. Ảnh: TRUNG KIÊN
Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đã xác định rõ quan điểm phát triển nông nghiệp vùng trong thời gian tới là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng. Theo ông Chu Văn Chuông, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), thời gian tới, ĐBSCL sẽ được tổ chức canh tác nông nghiệp theo phân vùng sinh thái nông nghiệp.
Cụ thể, vùng thượng nguồn giáp Campuchia là vùng ngập, mùa lũ sẽ trữ lũ chứ không dùng đê để be giữ. Một mặt, người dân chuyển từ canh tác lúa 3 vụ sang 2 vụ. Mặt khác, chuyển đổi sang các phương thức sản xuất khác như một vụ trồng lúa, một vụ nuôi trồng thủy sản, trồng sen hoặc các cây trồng khác. Vùng trung tâm đồng bằng sẽ chuyển đổi mô hình sản xuất, không ưu tiên lúa nữa mà sang cây ăn trái.
Vùng ven biển sẽ không ngăn mặn mà chuyển đổi sản xuất theo hướng coi nước mặn như một nguồn tài nguyên, với các mô hình: lúa - màu, lúa - tôm, trồng cỏ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nước mặn… Khu vực có lợi thế về rừng ngập mặn như bán đảo Cà Mau sẽ được quy hoạch theo mô hình nông - lâm kết hợp: tràm - thủy sản, tràm - lúa - thủy sản… Điển hình là mô hình tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn đang cho năng suất cao và đem lại hiệu quả kinh tế không kém gì các phương thức sản xuất đang phổ biến hiện nay.
Trong kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 120, Bộ NN-PTNT sẽ rà soát điều chỉnh chiến lược, định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp toàn vùng phù hợp với các tiểu vùng sinh thái gắn với 3 nhóm sản phẩm chủ lực, theo thứ tự ưu tiên là thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo. Thời gian tới sẽ giảm diện tích trồng lúa và các cây trồng sử dụng nhiều nước ngọt nhưng giá trị thương mại thấp; khuyến khích phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái; nghiên cứu cung cầu thị trường trong nước và quốc tế để xác định hướng đi cho các ngành hàng chiến lược, theo hướng tăng diện tích nuôi trồng cây ăn quả và thủy sản, giảm diện tích lúa kém hiệu quả. Đồng thời ưu tiên đẩy mạnh nghiên cứu các loại giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng BĐKH.
Theo Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, đề án tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL đã đặt mục tiêu rất cụ thể cho 3 ngành chủ lực thủy sản, trái cây và lúa gạo. Đối với nuôi trồng thủy sản, phát triển ngành tôm và cá tra ở quy mô công nghiệp sản xuất lớn, hướng mạnh ra xuất khẩu. Đến năm 2030, đưa tổng diện tích nuôi trồng lên khoảng 1 triệu ha (bao gồm cả diện tích luân canh với lúa và tôm, rừng sinh thái). Đầu tư mạnh cho chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, quan trọng nhất là tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị. Từ đó, hình thành cơ quan điều phối ngành hàng vùng.
Theo HÀM LUÔNG (Sài Gòn Giải Phóng)