Cà Mau: Ða dạng sinh thái ruộng lúa

22/11/2022 - 08:49

Xã Phú Hưng vừa tổ chức hội thảo đầu bờ nhân rộng mô hình sản xuất một vụ lúa kết hợp với các đối tượng nuôi thuỷ sản, nhằm giúp nông dân phát triển kinh tế.

A A

Vụ mùa năm 2022, bà con nông dân xã Phú Hưng xuống giống vụ lúa - tôm được gần 170 ha, tập trung chủ yếu ở 2 ấp Rạch Muỗi và Phú Thạnh, lúa đang trong giai đoạn đỏ đuôi, sẵn sàng cho thu hoạch, năng suất ước đạt từ 25-30 giạ/công. Ðiểm mới của mô hình sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay, ngoài đối tượng nuôi xen canh trong ruộng lúa truyền thống là con tôm sú và tôm càng xanh, có hơn 10 hộ thả nuôi cá kèo xen canh trong ruộng lúa, bước đầu phát huy hiệu quả.

Nông dân xã Phú Hưng tham quan mô hình lúa - tôm của hộ ông Nguyễn Văn Tám, ấp Phú Thạnh.

Ông Nguyễn Văn Tám, ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng, cho biết, kể từ khi chuyển dịch sang nuôi tôm, ông duy trì sản xuất 1 vụ lúa, môi trường vuông tôm luôn được cải thiện, năng suất tôm nuôi khá ổn định. Ðể gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả, ông mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống lúa chất lượng. Với diện tích 2 ha vuông tôm, ông chọn gieo sạ giống lúa OM 5451 và ST 25, áp dụng đúng quy trình hướng dẫn của ngành chuyên môn. Ðến nay, diện tích lúa - tôm của gia đình đang trong giai đoạn đỏ đuôi, sẵn sàng cho thu hoạch, năng suất ước đạt 30 giạ/công. Với giá lúa thương phẩm trên thị trường như hiện nay, trừ chi phí sản xuất, gia đình có lãi trên 40 triệu đồng, chưa kể tôm sú đang thả nuôi xen canh trong ruộng lúa. “Ngoài đối tượng tôm sú thả nuôi xen canh trong ruộng lúa, tôi còn thả nuôi cá kèo trên cùng diện tích lúa - tôm đang phát triển khá tốt, sẽ cho thu hoạch đúng vào dịp cuối năm”, ông Tám cho biết thêm.

Ðể minh chứng hiệu quả mô hình sản xuất lúa kết hợp nuôi xen canh các đối tượng nuôi, tại buổi hội thảo đầu bờ, nông dân được tham quan thực tế ruộng lúa - tôm đang trĩu hạt. Ðồng thời, hội thảo còn trưng bày sản phẩm tôm sú, tôm càng xanh và cá kèo được nuôi trong ruộng lúa.

Ông Hà Ngọc Sáu, Bí thư Ðảng uỷ xã Phú Hưng, cho biết: “Nhiều năm qua, nông dân trên địa bàn xã duy trì sản xuất hiệu quả mô hình đa con trong ruộng lúa, như nuôi cua, tôm càng xanh và tôm sú xen canh trong ruộng lúa, cho hiệu quả kinh tế khá cao. Những năm gần đây, một số hộ dân tiến hành nuôi thử nghiệm cá kèo xen canh trong ruộng lúa, cho thấy hiệu quả kinh tế khá cao, hiện nay có 10 hộ dân đang áp dụng với diện tích trên 10 ha. Ðể đa dạng đối tượng nuôi trong ruộng lúa, chính quyền địa phương phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và lựa chọn mô hình sản xuất lúa kết hợp, phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế gia đình để tăng thu nhập, phát triển kinh tế”. 

Chuyển đổi cơ cấu giống lúa chất lượng gieo sạ vụ lúa - tôm, gia tăng giá trị lúa hàng hoá và đa dạng đối tượng nuôi trong ruộng lúa được xem là giải pháp mới, nhằm giúp nông dân xã Phú Hưng khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tăng thu nhập, góp phần cho địa phương duy trì và giữ vững tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, thực hiện mục tiêu xây dựng xã Phú Hưng đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao theo lộ trình đề ra./.

Theo Báo Cà Mau