Anh Hữu Xà Rinh vui vẻ chia sẻ thêm, gia đình anh luôn giữ lửa hạnh phúc cũng chính nhờ vợ chồng bình đẳng, cùng san sẻ, kể cả việc nhà.
Thông qua các trò chơi, buổi truyền thông thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” về thực hiện bình đẳng trong gia đình của Hội LHPN xã Tân Lộc đã giúp bà con hiểu rõ hơn về bình đẳng giới, tạo sự gắn kết trong cộng đồng dân cư
Chị Ngô Thị Phướng, Tổ phó Tổ truyền thông cộng đồng Ấp 7, xã Tân Lộc, cho hay, toàn ấp có hơn 530 hộ dân, trong đó hơn 230 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Buổi truyền thông vừa qua, tổ đã vận động 100 người dân Ấp 7 đến dự, người này rủ người kia, có hộ đi cả hai vợ chồng nên hội trường đông kín người, không khí vui tươi, phấn khởi. "Điều này cho thấy người dân hưởng ứng tích cực, công tác truyền thông của mình sẽ hiệu quả hơn, qua đó góp phần xoá bỏ định kiến về giới và các tập tục, thói quen có hại cho phụ nữ, trẻ em", chị Phướng nhận định.
Tổ truyền thông cộng đồng Ấp 7 được thành lập trong khuôn khổ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (đây là 1 trong 10 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện). Toàn huyện Thới Bình thành lập 7 tổ, tại các ấp đặc biệt khó khăn. Mỗi tổ từ 7-15 thành viên, gồm bí thư chi bộ, trưởng - phó ấp, chi hội trưởng phụ nữ, trưởng ban công tác Mặt trận, các đoàn thể…
“Hàng tháng, tổ sẽ tổ chức ít nhất một hoạt động truyền thông, như phát tờ rơi, lồng ghép nội dung vào các buổi họp, họp nhóm nhỏ từ 10-20 người, hoặc chọn những người có uy tín trong xóm để cùng đến từng hộ gia đình tuyên truyền để người dân hiểu các quy định của pháp luật về bình đẳng giới; loại bỏ định kiến giới; chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế; kể cả việc nuôi dạy con giỏi, con ngoan, ăn uống đủ chất để không suy dinh dưỡng...”, chị Phướng thông tin thêm.
Tiểu phẩm “Tôi nhận ra rồi” do Tổ truyền thông cộng đồng Ấp 7 thực hiện (Ảnh chụp tại buổi truyền thông thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” về thực hiện bình đẳng trong gia đình vừa được tổ chức ngày 1/11).
Để thấy rõ hơn sự thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, ngay sau buổi truyền thông, chị Phướng mời đoàn chúng tôi ghé thăm nhà các chị em ở khu tái định cư của ấp.
Đón khách ghé chơi nhà, cũng là tiệm tạp hoá tại gia, chị Kim Thuỳ Trang vui vẻ: “Tôi buôn bán nhỏ phụ thêm kinh tế, còn chồng thì thu mua phế liệu để nuôi con đang học năm nhất đại học. Tới bữa cơm thì ai rảnh tay là làm, cùng nhau chia sẻ mọi việc lớn nhỏ nên dù khó khăn cũng qua hết”.
Chị mừng vì luôn có sự đồng hành của chị em phụ nữ hỗ trợ nhau, nhất là các câu lạc bộ, tổ, nhóm giúp nhau tiết kiệm, làm kinh tế… Chị Trang bày tỏ: “Đa phần chị em đồng bào DTTS hiểu biết ít. Nhờ có tổ truyền thông, các cuộc hội họp mà chị em được phổ biến nhiều kiến thức hữu ích, thấy rõ lối sống các gia đình nay khác nhiều. Hy vọng rằng các hoạt động, chương trình sẽ duy trì thường xuyên để mọi người học hỏi, chia sẻ nhiều hơn cái hay, cái đẹp”.
Chị Kim Thuỳ Trang chia sẻ: “Đồng vợ đồng chồng mọi khó khăn sẽ vượt qua hết. Hiện tại 2 vợ chồng cùng cố gắng tăng thu nhập để lo cho đứa con đang học năm nhất đại học ở Sài Gòn”.
“Hội LHPN huyện, cũng như UBND các xã thực hiện Dự án 8, tin tưởng dự án sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con, nhất là đối với bà con DTTS. Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục chỉ đạo Hội LPPN các xã phối hợp với UBND tổ chức nhiều buổi truyền thông và đối thoại chính sách, phát huy hơn nữa vai trò của các tổ truyền thông cộng đồng. Mong rằng chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ bà con về các quy định liên quan đến bình đẳng giới cũng như hỗ trợ về phát triển kinh tế đối với đồng bào DTTS”, chị Nguyễn Việt Biên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thới Bình, nhấn mạnh.
Theo BĂNG THANH - HỮU NGHĨA (Báo Cà Mau)