Cà Mau: Cảm xúc văn nghệ kháng chiến

11/11/2022 - 09:39

Tuy không là nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp như lực lượng của Ðoàn Văn công, song những người lính có năng khiếu đờn, ca đã hoạt động sôi nổi thời bom đạn. Văn nghệ đối với người lính, khi là liều thuốc tinh thần giúp đồng đội vơi bớt gian lao, khổ cực, khi là vũ khí đấu tranh, kêu gọi địch quy hàng… Nay họ đã ngót nghét tuổi 70 vẫn đam mê truyền lửa dòng nhạc cách mạng, lan toả sức sống và giá trị theo thời gian của những ca khúc hào hùng.

A A

Những tiết mục ca ngợi Ðảng, ca ngợi Bác Hồ vang lên hào hùng chào mừng Ðại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027. Cả hội trường chăm chú theo dõi ngợi khen, đầy vẻ kính trọng. Ðối với các cô, các chú, mỗi lần đứng trên sân khấu là được sống lại ký ức một thời văn nghệ kháng chiến, cái thời không cầu kỳ nhạc khí, đèn màu nhưng cảm xúc mãnh liệt.

Tiết mục dự thi của CLB cao niên Trung tâm Văn hoá tỉnh tại Liên hoan Tiếng hát tuổi cao niên tỉnh Cà Mau.

Bà Phạm Thuý Hằng, Chủ nhiệm CLB cao niên Trung tâm Văn hoá tỉnh, nhớ lại thời gian làm y tá của Quân y tỉnh. Bà là thành viên Ban Chấp hành Ðoàn thanh niên, có giọng hát ngọt ngào, ca cổ và ca nhạc đều hay, nên khi đơn vị tổ chức sự kiện hay lễ, tết, bà là nhân vật chính trong phần văn nghệ. Nhiều bộ đội nằm bệnh, biết bà có năng khiếu nên chép bài hát gửi tặng bà, rồi yêu cầu bà ca, để mọi người thoải mái tinh thần, tiếp thêm động lực lên đường chiến đấu.

“Hồi đó tôi thường hát mấy bài như: “Lòng mẹ hậu phương”, “Nặng tình xưa”, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”… Chỉ là hát chay chứ đâu có đàn. Tiếng vỗ tay nhịp nhàng như thay cho tiếng nhạc”, bà Hằng xúc động hồi nhớ.

Chồng bà cũng là quân y, có mặt ở khắp chiến trường để kịp thời cứu chữa cho cán bộ, chiến sĩ. Ðôi lần bà đến thăm chồng, tận mắt chứng kiến những hy sinh, sẻ chia của cán bộ, chiến sĩ, bà không kiềm được xúc động. Bà kể, khi hết nước biển, mọi người cùng nhau bẻ dừa, cẩn thận mang về, truyền cho đồng đội bị thương. Liên hoan mừng công chỉ là hát múa bên ánh lửa thay cho lời động viên cùng nhau vững bước tiến công, mong đến ngày giải phóng.

Còn đối với ông Nguyễn Văn Hoà ở Phường 4, TP Cà Mau, ở tuổi ngoài 70, quý giá nhất là miền ký ức năm tháng nơi chiến trường với những lần biểu diễn văn nghệ mừng chiến thắng, thả tù binh và làm công tác binh vận. Cây đàn mandolin và cây đàn ghi-ta được ông giữ gìn cẩn thận suốt mấy mươi năm qua. Ngẫu hứng, ông vừa đàn vừa hát “Bài ca người đi săn máy bay”: “Khi trên bầu trời xanh ta thấy máy bay lượn quanh, chúng rải chất độc xuống quê ta, chúng bắn giết người lương thiện, dù dưới mưa bom tay súng ta vững vàng, nào ngắm cho đúng đầu máy bay, ta bắn cho chúng nhào lăn quay”.

Sống lại cảm xúc ngày nào, ông Hoà kể với chúng tôi về đêm biểu diễn văn nghệ, chỉ vài anh em trong đơn vị tập hợp lại đàn, hát những ca khúc cách mạng, người dân quanh vùng chèo xuồng đến xem rất đông vui. Theo ông Hoà, phong trào văn nghệ còn là cách để tập hợp quần chúng, vừa lồng ghép sinh hoạt chính trị, giáo dục cách mạng qua những lời ca, tiếng hát. Sau những buổi sinh hoạt văn nghệ còn tổ chức nói chuyện cách mạng, giáo dục tinh thần yêu nước. Có lần ông được giao nhiệm vụ cùng nghệ sĩ của Ðoàn Văn công tỉnh đi tuyên truyền, vận động. Tới gần bót địch, cả đội đào giao thông hào, hướng loa vào đồn địch, hát các bài “Dậy mà đi”, “Ðoàn vệ quốc quân”, “Giải phóng miền Nam”… để lôi kéo người dân trở về với dân tộc, đứng lên cùng Nhân dân chống xâm lược.

Ông Nguyễn Văn Hoà đàn mandolin để thành viên CLB cùng tập bài “Vinh quang Mặt trận Tổ quốc ta”.

Sau hoà bình, các cô, các chú nặng gánh lo toan cuộc sống mới, nên ít khi tham gia các phong trào văn hoá, văn nghệ ở địa phương. Ðến nay, trở thành lớp người cao tuổi, họ tiếp tục mang lời ca, tiếng hát để rèn luyện tinh thần, góp sinh khí cho những sự kiện ở địa phương.

Bà Phạm Thuý Hằng bộc bạch: “Không nhờ tham gia ca hát chắc bây giờ tôi bệnh nặng lắm. Năm 2001, tôi và chồng chia tay, lúc đó tôi chỉ biết nằm vùi, đóng cửa khóc suốt ngày. Bạn bè đến thăm, rủ rê tôi vào đội văn nghệ của phường, hoạt động ca hát giúp tôi nghĩ thoáng hơn và tâm lý dần ổn định”. 

Từ đó, bà Hằng kêu gọi bạn bè có năng khiếu văn nghệ tham gia vào CLB cao niên, cùng mang lời ca, điệu múa làm đẹp cho đời. Bà Võ Kim Sáng, thành viên CLB, chia sẻ: “Ngay từ nhỏ tôi đã rất thích những bài hát cách mạng, khi tham gia vào CLB, được cùng mọi người múa, hát những tiết mục ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, bộ đội… tôi thấy vô cùng ý nghĩa. Các con tôi công tác ở cơ quan Nhà nước, mỗi khi có dịp họp mặt là chúng rất thích nghe tôi hát mấy bài nhạc kháng chiến”.

Vừa đoạt giải Nhì tại Liên hoan Tiếng hát tuổi cao niên tỉnh Cà Mau, mấy ngày nay, thành viên của CLB cao niên Trung tâm Văn hoá tỉnh lại tất bật tập dượt tiết mục ca múa “Vinh quang Mặt trận Tổ quốc ta”, để chuẩn bị biểu diễn tại Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.

Xã hội phát triển, xuất hiện ngày càng nhiều loại hình giải trí, tưởng chừng những sáng tác trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh chỉ “sống” theo giai đoạn lịch sử, nhưng thực tế đã thấy điều ngược lại, vì nhạc đỏ vẫn đang toả đi muôn nơi, đến mọi hoạt động đời sống xã hội và sống trong lòng các thế hệ. Bằng lời ca, điệu múa, những nghệ sĩ cao niên ở Cà Mau đang không ngừng truyền lửa, giáo dục cho lớp trẻ về văn hoá tốt đẹp của dân tộc, niềm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước./.

Theo Báo Cà Mau