Đó là nhận định của Bộ Y tế trước tình hình dịch cúm A (H5N1) có dấu hiệu lây lan. Theo đó, Sở Y tế tỉnh Cà Mau cũng đã xây dựng kế hoạch, đáp ứng các hoạt động phòng chống cúm A (H5N1) trên địa bàn tỉnh trong mọi tình huống.
Ông Vương Hữu Tiến, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, sẽ thuận lợi cho vi rút CGC phát triển. Ðồng thời, sau tết Nguyên đán, các lễ hội vui chơi, giải trí vẫn tiếp tục được tổ chức. Do đó, hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Vì vậy, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm CGC sang người”.
Ðể phòng ngừa khả năng xảy ra dịch cúm trên địa bàn tỉnh, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong do cúm; đồng thời chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng ứng phó một cách hiệu quả với dịch lan rộng, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch ứng phó với 3 giai đoạn dịch xảy ra.
Theo kế hoạch của ngành y tế tỉnh, đội chống dịch cơ động tại các tuyến trên địa bàn sẽ được thành lập, sẵn sàng ứng phó với dịch cúm A (H5N1).
Theo đó, trong giai đoạn không có dịch, sẽ tiến hành thành lập đội chống dịch cơ động tại các tuyến trên địa phương, sẵn sàng ứng phó với dịch cúm A (H5N1). Giám sát tình hình ổ dịch CGC cũ và mới phát. Tăng cường tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng.
Cũng trong giai đoạn này, khi có ca chẩn đoán nghi ngờ nhiễm cúm, ngành y tế cũng quy định rõ việc chuyển tuyến và xử trí ban đầu: nếu bệnh nhân đang ở tuyến xã, phường, thị trấn thì chuyển tuyến huyện lập tức. Chuyển tuyến ngay lên tuyến tỉnh nếu tình trạng bệnh nhân cho phép, bằng phương tiện xe chuyển bệnh chuyên dụng. Ðồng thời, lập danh sách và theo dõi những người có tiếp xúc với bệnh nhân và tiếp xúc với cùng yếu tố nguy cơ của bệnh nhân.
Song, tất cả phải đảm bảo trên nguyên tắc chung là khi có ca chẩn đoán xác định nhiễm vi rút cúm A (H5N1), bệnh nhân nhiễm bệnh không được nằm điều trị hoặc sinh sống trong cộng đồng cho đến khi được xác nhận là hết thời kỳ lây nhiễm, mà phải được nằm điều trị hoặc theo dõi trong khu cách ly do ngành y tế quy định.
Theo đó, tổ chống dịch cơ động huyện, thành phố sẽ tiến hành điều tra dịch tễ, thực hiện kết hợp với ngành, địa phương truy tìm nguồn lây, phát hiện những ca mới; thông báo cho các cơ sở y tế tư nhân trong địa bàn; tuyên truyền, tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm bổ sung cùng bộ phận xét nghiệm, đề xuất phương án tiếp nhận - cách ly - chuyển bệnh nhân mới lên tuyến trên.
“Ổ dịch cúm A (H5N1) được coi là được khống chế khi sau 21 ngày không ghi nhận ca mắc mới và việc xử lý môi trường đã được thực hiện triệt để”, ông Vương Hữu Tiến nhấn mạnh.
Ðối với tình huống khi dịch CGC lây từ người sang người (giai đoạn 2), ông Vương Hữu Tiến cho biết: Tổ trực chống dịch sẽ làm việc 24/24 giờ tại 3 tuyến, sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ bệnh cúm từ tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, ấp, khóm; phát hiện sớm, điều tra kịp thời trường hợp bệnh đầu tiên. Khoanh vùng, cách ly và xử lý triệt để 100% ổ dịch cúm ở người khi xuất hiện trường hợp bệnh đầu tiên. Sử dụng thuốc kháng vi rút (Oseltamivir) dự phòng theo chỉ định. Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng hộ cá nhân như: đeo khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ... cho nhân viên y tế, lực lượng tham gia dập dịch, người bệnh và đối tượng nguy cơ khác.
Và trong tình huống xấu nhất, khi dịch lây lan rộng (giai đoạn 3), ngoài áp dụng các hoạt động như giai đoạn 2, sẽ tăng cường các biện pháp phòng bệnh khẩn cấp: đình chỉ tạm thời các hoạt động như hội họp, mít tinh, liên hoan; đóng cửa các trường học, cho học sinh nghỉ ở nhà; cấm họp chợ, tổ chức mua bán hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men tại gia đình; cấm vận chuyển, đi lại, ra vào vùng có dịch... Ðồng thời, huy động tối đa lực lượng bác sĩ tham gia các đội phòng chống dịch, ít nhất tại mỗi địa phương có dịch bệnh xảy ra phải có đội cứu chữa khẩn cấp: huy động tối đa lực lượng bác sĩ và sinh viên y khoa các năm cuối và gần cuối.
“Theo cập nhật tình hình mới, dịch cúm A (H5N1) ở Campuchia cơ bản khống chế, song chúng ta vẫn không chủ quan, phải chủ động xây dựng kế hoạch để kịp thời đáp ứng mọi tình huống có thể xảy ra. Ðồng thời, cảnh báo tuyên truyền đến chính quyền địa phương và người dân để nắm bắt tình hình, phòng tránh khi dịch có nguy cơ bùng phát”, ông Vương Hữu Tiến cho biết thêm./.
Theo Báo Cà Mau