Dự nguồn gặp khó
Ðây là tình hình chung của hầu khắp các địa phương, đơn vị tại tỉnh Cà Mau trong công tác dự nguồn, chăm bồi và phát triển đảng viên mới. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân. Một mặt, do quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, hầu hết các đơn vị, địa phương đã ổn định hoặc cắt giảm nhân sự, nguồn dự bị cho Ðảng vì thế không còn nhiều. Tại cơ sở, dự nguồn từ lực lượng đoàn viên, hội viên, quần chúng ưu tú cũng khó khăn.
Chỉ tiêu phát triển đảng viên mới hàng năm của Ðảng bộ xã Khánh An được trên phân giao căn cứ theo số lượng đảng viên hiện có. Tuy nhiên, ông Hợp chia sẻ: “Chỉ tiêu giao thì Ðảng bộ nỗ lực hoàn thành, nhưng dự nguồn ngày càng ít, vấn đề này còn liên quan đến chất lượng đảng viên kết nạp mới. Nếu không có giải pháp, dễ rơi vào vòng luẩn quẩn là kết nạp xong rồi thì đảng viên không phát huy được vai trò, trách nhiệm”.
Thực tế cho thấy, Ðảng bộ Khánh An từ đầu nhiệm kỳ đều đạt, vượt chỉ tiêu được giao, với tổng số 26 đảng viên được kết nạp mới. Công tác dự nguồn, chăm bồi, phát triển đảng viên mới được tiến hành rốt ráo, quyết liệt, nhất là tập trung vào các đối tượng đoàn viên, hội viên, quần chúng ưu tú đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Thế nhưng vì sinh kế, khá nhiều đảng viên đi làm ăn xa phải tạm hoãn sinh hoạt hoặc hạn chế về mặt cống hiến. “Ðối tượng đảng viên mới, đảng viên trẻ chiếm đa số trong đó”, ông Hợp cho biết.
Thêm nữa, với chế độ ưu đãi hiện nay đối với người hoạt động tại ấp, khóm, ông Hợp băn khoăn: “Chỉ một số chức danh có chế độ theo quy định. Ðiều này ảnh hưởng nhiều đến tâm lý cống hiến của anh em hoạt động ở ấp, nhất là ở các hội, đoàn thể”. Về lâu dài, ông Hợp cho rằng: “Cần phải tính toán hài hoà giữa số lượng và chất lượng kết nạp. Nên chú trọng về chất lượng, khả năng cống hiến lâu dài của đối tượng dự nguồn. Cần có cơ chế phù hợp về mặt đãi ngộ, khuyến khích đối với lực lượng tham gia công tác ở ấp, khóm để tập hợp, thu hút nguồn dự bị cho Ðảng. Quan trọng hơn là giải quyết được vấn đề sinh kế, công ăn, việc làm và điều kiện phát triển tại địa phương cho người trẻ”.
Tạo sức lan toả từ nhân tố ưu tú
Ông Nguyễn Thành Ðượm, phụ trách công tác kiểm tra - tổ chức Ðảng uỷ xã Khánh An, thông tin: “Tính về lực lượng lao động của địa phương, có khoảng 1 ngàn lao động ở các công ty, xí nghiệp tại chỗ; hơn 4 ngàn lao động ngoài tỉnh. Trong số này, đối tượng dự nguồn phát triển đảng không phải là thiếu, nhưng rất khó thu hút. Mấu chốt vấn đề vẫn là câu chuyện kinh tế. Ðối tượng dự nguồn cho Ðảng phải được lựa chọn hết sức kỹ lưỡng, chú trọng chất lượng, cam kết gắn bó cống hiến”.
Ði ngược lại số đông, bạn Ðặng Yến Như, Bí thư Chi đoàn Ấp 13, xã Khánh An lựa chọn gắn bó với quê hương để khởi nghiệp và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ kết nạp đảng viên mới. Yến Như tốt nghiệp Sư phạm Ngữ văn, Trường Ðại học Cần Thơ, từng làm việc ở lĩnh vực du lịch 6 năm. Yến Như tâm sự: “Năm 2020, tôi dự định về quê nghỉ ngơi một thời gian rồi tính tiếp. Nhưng khi về đây, nhận thấy điều kiện phát triển quá tốt, tôi lựa chọn ở lại”.
Với 3 ha đất gia đình có sẵn, Yến Như lên kế hoạch nuôi ốc bươu đen, trồng bông súng, chuối và nuôi các loại cá nước ngọt. Ham làm, ham học hỏi, cô gái trẻ đã xây dựng cho mình một mô hình kinh tế đa dạng với nguồn thu đáng mơ ước chỉ trong vòng 2 năm ngắn ngủi. “Huê lợi hàng tháng của gia đình hiện tại trên dưới 100 triệu đồng”, Yến Như tiết lộ.
Cô gái trẻ Đặng Yến Như được nhiều người biết đến khi thực hiện thành công mô hình nuôi ốc bươu đen, ốc đắng thả lan, đem lại nguồn thu nhập đáng mơ ước.
...và Yến Như đã lựa chọn gắn bó, khởi nghiệp tại quê nhà, hăng hái hoạt động tại ấp và trở thành dự nguồn ưu tú cho Ðảng.
Khi được hỏi, việc lựa chọn ở lại quê có điều gì nuối tiếc không, Yến Như thổ lộ: “Ban đầu cũng khó khăn lắm, nhưng khi bắt tay làm rồi mình mê luôn. Mình nghĩ thật tiếc khi tài nguyên của quê hương tốt như thế này nhưng không phải ai cũng nhận ra. Nhất là các bạn trẻ, cứ thích hào nhoáng, bay nhảy và kiếm tiền tức thời”. Yến Như mang đam mê và thành công của mình lan toả cho đoàn viên của ấp, có cả các cô, chú ở Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và bà con nông dân ở địa phương khác đến tham quan, học hỏi. Nhưng tiếc một điều là Chi đoàn Ấp 13 hiện tại chỉ có... 6 đoàn viên.
Ước ao của Yến Như là khi được đứng vào hàng ngũ của Ðảng, sẽ tiếp tục phát triển mô hình kinh tế của bản thân, từ đó giúp bà con, nhất là các bạn trẻ có những gợi ý để khởi nghiệp, xây dựng cuộc sống vững chắc. Ðối với công việc của ấp, Yến Như luôn hăng hái: “Mình làm giàu cho bản thân, giúp đỡ mọi người, cống hiến cho công việc chung để góp phần xây dựng quê hương thì không nề hà gì hết”.
Theo ông Quách Văn Hợp, những cá nhân ưu tú dự nguồn như Ðặng Yến Như là tài nguyên quý cho công tác phát triển đảng viên mới tại địa phương. Ở đó không chỉ là vấn đề chất lượng của một đảng viên mới đơn lẻ, mà còn tạo ra sức hút lớn, tác động lớn đến suy nghĩ, tình cảm của những người trẻ. "Từ đó, giúp người trẻ có thêm động lực, quyết tâm và lựa chọn để gắn bó với quê hương; làm dồi dào hơn, chất lượng hơn nữa cho lực lượng dự nguồn của Ðảng", ông Hợp tâm đắc./.
Theo PHẠM HẢI NGUYÊN (Báo Cà Mau)