Cà Mau: Chuyển đổi nghề, nâng cao đời sống phụ nữ dân tộc

09/09/2024 - 09:15

Xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, là xã ven biển, kinh tế của người dân chủ yếu là đánh bắt thuỷ sản. Trước đây, đời sống bà con còn khó khăn. Tuy nhiên, từ khi áp dụng Luật Thuỷ sản và các chính sách khuyến khích chuyển đổi mô hình sinh kế, đời sống của người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây đã có nhiều thay đổi tích cực.

Bà Đào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái, cho biết, toàn xã có 158 hộ DTTS, phần lớn là dân tộc Khmer. Các chị em DTTS trước đây chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt ven biển và khai thác trong vùng cấm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Nhà nước, chị em đã dần chuyển đổi nghề nghiệp, tham gia vào các mô hình sinh kế mới như buôn bán nhỏ, đan lưới, vá lưới.   

Từ lúc chuyển đổi nghề đan lưới, vá lưới, cuộc sống chị em phụ nữ ấp Gò Công, xã Nguyễn Viêt Khái ổn định hơn.      

Những năm gần đây, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức như Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), các lớp học nghề đã được mở ra tại xã. Điển hình là lớp học đan lưới, vá lưới, với sự tham gia của 30 chị em. Nhờ những lớp học này, nhiều chị em đã có thêm việc làm, ổn định thu nhập, góp phần cải thiện đời sống gia đình.

Chị Đoàn Thị Xa, ấp Gò Công, một trong những học viên của lớp đan lưới, chia sẻ: "Trước đây, tôi chỉ làm thuê làm mướn, thu nhập không ổn định. Từ khi được học nghề đan lưới và làm nghề, thu nhập của tôi đã ổn định hơn, mỗi ngày có thể kiếm được từ 100-300 ngàn đồng tùy vào công việc và thời gian rảnh để làm". 

Bà Hồ Thị Mỹ (bìa trái) không còn đặt lú không đúng quy định mà được hỗ trợ học nghề đan lưới, vá lưới.

Để giúp các chị em duy trì và phát triển nghề nghiệp, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đang xúc tiến thành lập Tổ hợp tác đan lưới, vá lưới. "Tổ hợp tác này sẽ tạo điều kiện cho các chị em làm việc tại nhà, vừa có thu nhập vừa có thể chăm sóc gia đình" , bà Đào Thị Thanh An cho biết.

Bên cạnh việc hỗ trợ học nghề, NHCSXH đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ tài chính cho các hộ dân. Chị Kim Mol, dân tộc Khmer, ấp Gò Công, đã vay 30 triệu đồng từ NHCSXH để xây chuồng nuôi heo. Chị Mol cho biết: "Từ số vốn vay này, tôi đầu tư chăn nuôi, đã bán được lứa heo đầu tiên và đang chuẩn bị nuôi tiếp lứa mới. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định hơn rất nhiều".

Ngoài ra, các chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là những hộ gia đình khó khăn. Bà Lê Thị Mỹ, 63 tuổi, ấp Gò Công, là một trong những người dân được hưởng lợi từ chính sách BHYT. Bà chia sẻ: "Nhờ có BHYT, tôi có thể đi khám bệnh hàng tháng mà không lo gánh nặng về tài chính. Nếu không có BHYT, cuộc sống của tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn".

Nhờ vay vốn tín dụng chính sách, bà Lê Thị Mỹ có điều kiện buôn bán kiếm sống qua ngày.

Ông Lý Minh Trí, Trưởng ấp Gò Công, cho biết: "Toàn ấp có 433 hộ, trong đó 56 hộ DTTS, trước đây đa số sống nhờ vào nghề đánh bắt ven bờ trong khu vực cấm. Nhưng từ khi thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 26/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính huỷ diệt trên địa bàn tỉnh, bà con được học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, từ đó đời sống đã dần ổn định hơn. Hiện nay, ấp còn 10 hộ nghèo và 18 hộ cận nghèo".

Những nỗ lực của các cấp, ngành địa phương trong việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, học nghề, cùng với các chính sách hỗ trợ tài chính và BHYT đã góp phần nâng cao đời sống người dân nói chung, chị em phụ nữ DTTS nói riêng tại xã Nguyễn Việt Khái. Đây là minh chứng cho hiệu quả của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, giúp đồng bào không chỉ cải thiện thu nhập mà còn có cơ hội phát triển đời sống bền vững trong tương lai.

Theo PHÚC DUY (Báo Cà Mau)