Với vai trò, nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn từng người dân, gia đình cài đặt, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số và các ứng dụng trên app chính quyền điện tử (CaMau-G), qua 1 năm được thành lập, các Tổ CNSCÐ đã góp phần từng bước “số hoá” từ thành thị đến vùng nông thôn. Từ những người còn mù mờ về công nghệ, chưa từng biết đến các ứng dụng trên thiết bị di động hay tạo lập những tài khoản dịch vụ công..., nay đã hiểu và áp dụng cơ bản những nền tảng số vào nhu cầu cá nhân.
Số lượng đăng ký, tiếp cận công nghệ số cao
Qua 1 năm triển khai thí điểm, 364 tổ CNSCÐ với trên 1.700 thành viên đã hướng dẫn cho hơn 70.600 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh cài đặt các ứng dụng, chiếm trên 53% số hộ, góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2023, có gần 61 ngàn hộ cài đặt tài khoản dịch vụ công trực tuyến; gần 4.200 hộ có tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử và số hộ có tài khoản thanh toán điện tử chiếm đến gần 48 ngàn hộ. Tổng số hồ sơ sức khoẻ vnCare được đăng ký và tạo lập là 200.151. Tổng lượt đặt lịch khám gần 15.900 lượt.
Phú Tân là một trong những địa bàn triển khai khá tốt Tổ CNSCÐ. Huyện thành lập 67 tổ, với 285 thành viên, đã triển khai các nền tảng số, công nghệ số và trực tiếp cài đặt, làm mẫu hướng dẫn được 11.184 hộ gia đình, chiếm 45% tổng số hộ trong toàn huyện. Ðăng ký tài khoản thanh toán điện tử cho 6.602 tài khoản và gần 2.100 tài khoản được đăng ký bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, góp phần tạo thói quen số, thúc đẩy người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số.
Ông Nguyễn Văn Trình, ấp Công Nghiệp, xã Tân Hải, huyện Phú Tân, phấn khởi: “Lúc đầu khi chưa được Tổ CNSCÐ hướng dẫn cài đặt các app, mỗi lần làm thủ tục gì phải mang theo giấy tờ đến tận nơi để nộp. Giờ định danh điện tử đã được cài đến mức 2, tích hợp các thông tin như: giấy phép lái xe, BHYT, BHXH... nên rất thuận tiện, đi đâu không cần mang theo các loại thủ tục, giấy tờ. Tài khoản dịch vụ công cũng mới bắt đầu sử dụng từ giữa tháng 6 này, đã nộp được một số hồ sơ trực tuyến, thấy rất hay. Nhìn chung, Tổ CNSCÐ rất nhiệt tình, đến tận nhà hướng dẫn, hỗ trợ gia đình, bà con xung quanh”.
Ông Nguyễn Văn Trình, ấp Công Nghiệp, xã Tân Hải, huyện Phú Tân được lực lượng đoàn viên thanh niên hướng dẫn cài đặt và sử dụng các ứng dụng trên điện thoại.
Cần “tiếp lửa” cho tổ CNSCÐ
Những kết quả trên là sự nỗ lực đáng ghi nhận của các Tổ CNSCÐ. Các thành viên tổ đã không quản ngại khó khăn, vất vả, bất chấp mưa nắng đi từng ngõ, gõ từng nhà hỗ trợ từng đối tượng.
Là một trong những thành viên của Tổ CNSCÐ ấp Công Nghiệp, xã Tân Hải, huyện Phú Tân, bạn Mai Thanh Phương chia sẻ: “Khi tham gia Tổ CNSCÐ hướng dẫn cho người dân, lúc đầu bà con còn hơi bỡ ngỡ nên gặp nhiều khó khăn. Nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, mọi người cố gắng đi vận động. Lần 1 không được thì đi tiếp lần 2, 3, 4, kiên trì đi nhiều, người dân cũng tự giác và tích cực thực hiện hơn. Hiện đã cài đặt cho hơn 50% số hộ dân của ấp”.
Thành viên Tổ CNSCĐ ấp Công Nghiệp phối hợp hướng dẫn cài đặt định danh điện tử mức độ 2, tích hợp các thông tin như: giấy phép lái xe, BHYT, BHXH… cho người dân địa phương.
“Ấp Công Nghiệp là ấp lớn, việc đi lại khó khăn, nhiều khi gặp mưa gió cũng mặc áo mưa đến nhà hướng dẫn bà con. Mỗi khi bà con hiểu và đăng ký được các app trên nền tảng số là tôi cảm thấy rất vui, thấy công sức mình bỏ ra là xứng đáng”, Mai Thanh Phương bày tỏ.
Nhiệt huyết, đầy trách nhiệm là điều ghi nhận được ở các thành viên Tổ CNSCÐ trên địa bàn tỉnh hơn một năm qua. Tuy nhiên, qua cọ xát thực tế, các thành viên Tổ CNSCÐ cũng gặp không ít trở ngại trong hoạt động.
Nói về chính sách dành cho thành viên các Tổ CNSCÐ, ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, nhìn nhận: “Các thành viên Tổ CNSCÐ đa số là cán bộ ấp, khóm, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Một số thành viên Tổ CNSCÐ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trong khi chưa có cơ chế, chính sách, kinh phí phù hợp để hỗ trợ hoạt động, tạo động lực, điều kiện cho các thành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Qua đó, ông Trần Quốc Chính đề xuất: “UBND tỉnh tiếp tục triển khai các Tổ CNSCÐ trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời, xem xét chủ trương xây dựng nghị quyết của HÐND tỉnh hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Tổ CNSCÐ. Bên cạnh đó, quan tâm bố trí số lượng biên chế phù hợp để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh”.
Ða phần người dân ở nông thôn, nhất là ở khu vực khó khăn, thiết bị di động có dung lượng hạn chế, khó cho việc cài đặt, sử dụng nhiều ứng dụng. Một bộ phận người dân còn e dè, lo ngại rủi ro trong giao dịch trực tuyến nên chưa đăng ký thanh toán bằng hình thức chuyển khoản không dùng tiền mặt. Số lượng tài khoản được đăng ký nhiều nhưng sử dụng để nộp hồ sơ trực tuyến, giao dịch thanh toán trực tuyến vẫn còn ít...
Theo HỒNG NHUNG (Báo Cà Mau)