Cà Mau: Ðề phòng cúm gia cầm lây sang người

18/06/2024 - 09:26

Tình hình bệnh cúm gia cầm lây sang người ngày càng diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao. Người dân cần nâng cao ý thức chủ động các biện pháp phòng bệnh.

A A

Ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã có kế hoạch phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau triển khai công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người, trong đó, tập trung vào các bệnh như: cúm A (H5N1), bệnh dại, bệnh liên cầu khuẩn lợn, bệnh than, bệnh xoắn khuẩn vàng da... Ðồng thời, đưa ra phương án ứng phó khi có dịch xảy ra trên địa bàn.

Thực tế, vẫn còn bộ phận những người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ gia cầm chưa áp dụng các biện pháp dự phòng như đeo khẩu trang, găng tay... khi tiếp xúc gần với gia cầm.

Người giết mổ gia cầm không thực hiện các biện pháp bảo hộ phòng bệnh.

Bác sĩ Ðoàn Văn Nam, Phó khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế - Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết: “Trước tình hình bệnh cúm gia cầm diễn biến phức tạp tại một số địa phương, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào trong tỉnh rất cao. Hiện nay, chúng tôi đang tăng cường giám sát dịch tễ, điều tra các ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định để cách ly và điều trị kịp thời. Ðồng thời thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, không để lây lan thành dịch lớn”.

Trạm Y tế và Phòng khám Ða khoa khu vực xã, phường, thị trấn phối hợp với nhân viên thú y truyền thông để người dân cảnh giác, chủ động phòng bệnh cúm gia cầm. Trong đó, tập trung hướng dẫn người dân thực hiện tốt vệ sinh, bảo hộ lao động trong quá trình giết mổ gia cầm; giám sát để phát hiện sớm và xử lý ổ dịch.

Cộng tác viên y tế Ấp 5, xã Khánh An, huyện U Minh hướng dẫn người dân phòng bệnh cúm gia cầm.

Chị Trần Thị Thu Em, cộng tác viên y tế Ấp 5, xã Khánh An, huyện U Minh, cho biết: “Tôi đến các hộ nuôi gia cầm tuyên truyền người dân khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang, găng tay, vệ sinh chuồng, trại và không sử dụng thực phẩm gia cầm bị chết. Báo cho chính quyền địa phương khi thấy gia cầm bị cúm để có hướng xử lý”.

Ngoài chủ động phòng, chống dịch, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh cập nhật kiến thức chuyên môn và điều trị cho nhân viên y tế, trang bị đầy đủ thuốc, hóa chất, nhân lực và cách ly để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. Củng cố đội cấp cứu ngoại viện để hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới khi cần thiết.

Bác sĩ Ðoàn Văn Nam cho biết thêm: “Tại tỉnh Cà Mau chưa ghi nhận ca mắc bệnh cúm trên người, tuy nhiên thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm phát triển và lây lan rất cao, nếu không chủ động phòng bệnh. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục phối hợp với nhân viên thú y địa phương kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm ổ dịch. Phối hợp với các cơ sở điều trị kịp thời cách ly đối với những ca nghi ngờ hay ca mắc bệnh cúm. Ðồng thời, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch, khi người dân nâng cao ý thức thì công tác phòng bệnh cúm gia cầm mới mang lại hiệu quả”./.

Theo MINH KHANG (Báo Cà Mau)