Ngành BHXH tỉnh Cà Mau đã có nhiều kiến nghị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong vấn đề nợ bảo hiểm. (Ảnh minh hoạ: Công nhân đang lao động tại 1 công ty chế biến thuỷ sản).
Ông Trịnh Trung Kiên, Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau, cho biết, các DN nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3, 6, 12... tháng trở lên. Trong đó, có 2 đơn vị phá sản, số tiền nợ trên 2,1 tỷ đồng; 2 đơn vị giải thể nợ gần 270 triệu đồng; 36 đơn vị dừng hoạt động nợ trên 25 tỷ đồng; có 1 đơn vị đã khởi kiện (Công ty TNHH Nhật Đức Cà Mau), với số nợ trên 3,78 tỷ đồng; 6 đơn vị nợ khó thu, với tổng số nợ trên 67,8 tỷ đồng (các đơn vị này chỉ cho thuê nhà xưởng, không còn hoạt động). Những đơn vị này đã có nhiều đoàn thanh tra nhiều lần nhưng không còn khả năng chi trả.
6 tháng đầu năm, đã tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng và kiểm tra theo kế hoạch năm tại 45 đơn vị, tổng số tiền đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN (bao gồm cả tiền lãi) khi có quyết định thanh tra trên 3,7 tỷ đồng; tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN đã thu được 3,013 tỷ đồng, thu nợ đạt tỷ lệ 81,34%. Đã đề nghị đơn vị được thanh tra chuyên ngành và kiểm tra đăng ký tham gia cho 222 lao động tham gia BHXH bắt buộc.
Ngoài công tác thanh tra theo kế hoạch còn tiến hành thanh tra chuyên ngành đột xuất. Tính từ đầu năm đến hết tháng 6, đã tiến hành thanh tra chuyên ngành (đột xuất) tại 12 đơn vị; truy thu trên 6 tháng của 15 lao động, với tổng số tiền trên 181 triệu đồng.
Ông Trịnh Trung Kiên thông tin, qua thanh tra, kiểm tra tại các DN đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm về đóng BHXH, BHTN, BHYT, như chiếm dụng tiền đóng của NLĐ, đã trích tiền đóng BHXH, BHTN, BHYT của NLĐ nhưng không đóng, chậm đóng cho cơ quan BHXH.
Tuy nhiên, hiện nay việc khởi kiện DN nợ BHXH, BHTN, BHYT còn một số vướng mắc. Ông Trịnh Trung Kiên chia sẻ, Luật BHXH năm 2014 quy định, tổ chức công đoàn đại diện cho NLĐ khởi kiện DN ra toà án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tuy nhiên quy định phải được uỷ quyền của công đoàn cơ sở và có đầy đủ chữ ký của NLĐ, nên đến nay chưa thực hiện được.
Trước khó khăn trên, BHXH tỉnh kiến nghị bỏ thủ tục uỷ quyền của NLĐ, tập thể NLĐ và bổ sung quyền khởi kiện của cơ quan BHXH trước năm 2016 (Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực) cơ quan BHXH tổ chức khởi kiện đã có hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống hành vi vi phạm về BHXH.
BHXH tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định quy định về quản lý, xử lý nợ BHXH, BHTN đối với DN đã ngừng hoạt động không phát sinh giao dịch với cơ quan BHXH nhiều năm liền, không còn khả năng thanh toán nợ BHXH, BHYT nhưng vẫn theo dõi nợ và tính lãi phát sinh làm cho tỷ lệ nợ trong tỉnh tăng kéo dài nhiều năm nay không xử lý được./.
Theo Báo Cà Mau