Cà Mau: Khắc khoải chờ nước ngọt

24/04/2023 - 13:57

Khi được hỏi về tình hình nước sinh hoạt trong mùa hạn, ông Lê Văn Trường ở ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, bức xúc: “Nhà tôi khoan 13 lần nhưng vẫn chưa có được nguồn nước sạch sử dụng. Càng xuống sâu thì nước có vị mặn càng nhiều!”. Ðây cũng là tình trạng chung của người dân trong ấp mỗi khi mùa hạn đến.

A A

Sinh sống gần 30 năm ở mảnh đất này, cũng là chừng ấy năm gia đình ông Trường và các hộ lân cận chịu chung cảnh thiếu nước sạch. Hồi tưởng về những năm tháng chật vật tìm nguồn nước, ông Trường kể: “Nhớ hồi đó, gần 40 hộ dân ở đây thay phiên nhau đi đổi nước sạch. Ðầu tuyến kênh này chỉ có duy nhất một cây nước ngọt. Từ tờ mờ sáng tôi phải bơi xuồng ra đầu kênh cách nhà hơn 3 cây số để đổi nước. Bà con ai cũng thiếu nước nên có khi tôi chờ từ sáng sớm tới tận chiều mới đổi xong”.

“Thời nào cũng vất vả, chịu khổ vì thiếu nước ngọt nên tôi mới bàn với chồng tính bán đất, chuyển đi nơi khác sinh sống. Chứ vùng này khoan giếng nước là thua rồi. Khoan càng sâu là càng mặn hơn và bị phèn. Nhưng tiếc công sức bao nhiêu năm bám đất, tu bổ nơi chôn nhau cắt rốn nên gia đình tôi vẫn cố gắng ở lại”, bà Ngô Hồng Sa, vợ ông Trường than.

Gia đình ông Trường phải sử dụng nước bị nhiễm mặn trong nhiều năm qua.

Sau đó, những tưởng người dân nơi đây đã vượt qua nỗi gian nan vì thiếu nước, vậy mà gần đây, khi hạn hán kéo dài do biến đổi khí hậu thì câu chuyện thiếu nước sạch lại tái diễn.

Khi ở phía bên kia con lộ giáp với Vườn Quốc gia U Minh Hạ có điện và nước máy kéo đến, người dân ấp Minh Hà A và Minh Hà B khấp khởi, hy vọng có nước ngọt sử dụng. Nhưng nhiều năm qua, nước máy vẫn chưa đến và nỗi khổ thiếu nước vào mùa khô hạn lại càng thấm thía hơn.

Chị Lê Kiều Tiên, ấp Minh Hà B, tâm sự: “Thấy phía lộ bên kia có nước, tôi mừng lắm, mà chờ mãi không thấy tới lượt nhà mình được kéo ống. Ðối đế quá, nhà tôi đành tự mua ống nước rồi kéo dọc theo cây cầu dẫn nước về nhà. Tôi biết làm như vậy là sai quy định nhưng nghĩ cảnh không có nước nên đánh liều”.

Ông Từ Thanh Tùng, Trưởng ấp Minh Hà B, chia sẻ: “Vùng này từ lâu bị nhiễm phèn, cộng thêm những năm gần đây tình trạng khô hạn ngày một khốc liệt nên người dân nơi đây luôn trong tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh đến đại biểu tham dự, được giải đáp là chờ nguồn kinh phí đầu tư. Giờ chỉ mong Nhà nước sớm xây dựng trạm bơm phía bờ bên kia rồi kéo ống lớn về, chứ địa hình nơi này khoan giếng nước cũng sẽ bị nhiễm phèn, mặn”.

Dù đã khoan giếng nước nhưng nước bơm lên ngày càng bị nhiễm mặn.

“Mấy đợt vừa rồi tôi có thấy cán bộ xuống khảo sát, tính cấp cho bồn dự trữ nước, nhưng chờ mãi vẫn chưa thực hiện. Người dân vùng này còn khó khăn lắm, một số hộ nghèo đâu có điều kiện trang bị, mua sắm bồn chứa nước. Chúng tôi mong các ngành chức năng sớm có cách giải quyết, hỗ trợ nước sạch để người dân an tâm, ổn định cuộc sống”, bà Trần Thị Hương, ấp Minh Hà A, bày tỏ.

“Toàn xã chỉ có 5 trạm bơm cung cấp nước tập trung, công suất đạt từ 5-8 m3 nước/giờ, nhưng có một công trình bị hư hỏng. Ðầu năm 2023, xã tiếp nhận một công trình đang đầu tư, chưa đưa vào vận hành. Hiện tại, ấp Minh Hà A và Minh Hà B chịu hạn mặn xâm lấn nhiều nhất, do vậy người dân nơi đây không thể khoan giếng để lấy nguồn nước ngọt. Ðầu năm 2023, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau đã xuống khảo sát và dự kiến hỗ trợ 2 bể chứa nước ngọt phục vụ người dân. Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, địa phương rất mong các cấp, ban, ngành liên quan có phương án sớm hỗ trợ những vùng hạn nặng, để người dân có được nguồn nước sinh hoạt trong mùa khô”, ông Cao Văn Ðạt, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Ðông, kiến nghị./.

Theo HẰNG MY (Báo Cà Mau)