Cà Mau: Khi “rừng vàng” trở thành thứ yếu

12/12/2022 - 15:32

Ðã qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Khánh An, huyện U Minh đã tập trung phát triển kinh tế, trồng rừng kết hợp các loại rau màu ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập.

Những năm gần đây, tại vùng đất U Minh Hạ, cây tràm không còn là nguồn kinh tế chủ lực, người dân đã đầu tư múc kênh tạo bờ liếp trồng chuối, rau màu kết hợp dưới ao nuôi cá nước ngọt, lấy ngắn nuôi dài chờ nguồn thu từ cây rừng.

Mướp thân leo nên bà con có sáng kiến làm giàn trên mặt vuông tôm, vừa tận dụng tối đa diện tích bờ bao, vừa dễ dàng thu hoạch. (Ảnh: Ông Nguyễn Văn Thận thu hoạch mướp bằng xuồng, hạn chế tối đa xước, giập trái).

Hộ ông Nguyễn Văn Thận, Ấp 13, xã Khánh An, với hơn 8 ha đất ông trồng 5 ha cây tràm Úc. Do cây tràm có thời gian sinh trưởng từ 4-5 năm mới thu hoạch nên ông đã xác định phát triển kinh tế bằng hình thức lấy ngắn nuôi dài. 3 ha còn lại, trên bờ ông trồng dừa, chuối, kết hợp với các loại rau màu ngắn ngày như mướp, bầu, khổ qua, bí đao…, dưới ao nuôi cá đồng; mỗi năm cho gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thận chia sẻ: “Trồng màu vốn đầu tư ít, nhẹ công chăm sóc lại giúp gia đình có nguồn thu nhập thường xuyên để trang trải cuộc sống hàng ngày. Hiện tại giàn mướp bắt đầu cho thu hoạch, với giá ổn định từ 6.000-7.000 đồng/kg, 1 ngày thu hoạch 1 lần từ 150-200 kg, thời gian thu hoạch có thể kéo dài 6 tháng, 1 năm trồng được 2 vụ, 1 vụ mướp lợi nhuận từ 35-40 triệu đồng".

Hiện gia đình ông canh tác theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch. Ðể đảm bảo cây phát triển tốt và thời gian sinh trưởng kéo dài, chất lượng trái ngon, bán được giá cao, ông sử dụng phân dơi ủ hoai bón cho cây trồng. Theo ông Thận tính toán: “Gia đình đầu tư xây dựng chuồng nuôi dơi để tận dụng nguồn phân giàu dinh dưỡng từ con dơi bón cho cây trồng, hiện giá phân dơi từ 50.000-60.000 đồng/kg, với mức giá này mỗi năm gia đình tiết kiệm được cả chục triệu đồng tiền phân bón. Từ khi nuôi dơi lấy phân, gia đình tôi đã giảm bón phân hoá học, không sử dụng thuốc trừ sâu nhiều, đồng thời chất lượng nông sản cũng được nâng lên đáng kể”.

Là nông dân gắn bó với cây tràm, từ khi linh hoạt kết hợp trồng thêm chuối với rau màu thì ông Võ Văn Tình, Ấp 13, xã Khánh An thêm phần phấn khởi lựa chọn loại cây trồng ngắn ngày trồng xen canh để tận dụng tối đa diện tích đất trống nhằm hạn chế cỏ dại, lấy ngắn nuôi dài, góp phần tăng thêm thu nhập, nhờ vậy gia đình thoải mái trong việc chi tiêu hơn.

“Gia đình tôi trồng màu quanh năm, Tết Nguyên đán năm nào gia đình cũng tranh thủ xuống giống màu để bán kiếm thêm nguồn thu nhập, như dưa leo, khổ qua… Giá rau màu các loại những ngày cận Tết thường cao hơn ngày thường, người trồng có lãi nhiều hơn, đón Tết sung túc hơn”, ông Tình chia sẻ.

Bà Lê Cẩm Tha, Phó chủ tịch UBND xã Khánh An, cho biết: “Trên địa bàn xã có 70% dân số sống dựa vào kinh tế rừng. Ngoài phát huy thế mạnh của địa phương, hiện nay còn có thêm những loại rau màu ngắn ngày khác. Ðây là hướng đi thích hợp, giúp người dân trồng rừng trên địa bàn xã có nguồn thu nhập thường xuyên hơn trồng một loại cây. Hướng tới xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con thực hiện mô hình lấy ngắn nuôi dài, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển./.

TheoT. ÁI (Báo Cà Mau)