Cà Mau: Khôi phục rừng phòng hộ

12/07/2022 - 08:46

Kiên quyết bảo vệ diện tích rừng hiện tại, tìm mọi giải pháp để tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển là những gì thể hiện rõ nhất nỗ lực, quyết tâm của Cà Mau trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng suốt những năm qua.

Để duy trì diện tích khoảng 96.000 ha có rừng, đặc biệt là hơn 52.000 ha rừng đặc dụng, phòng hộ ven biển trong tổng số hơn 164.000 ha đất lâm nghiệp là điều không hề đơn giản. Bởi, diện tích rừng của tỉnh luôn chịu tác động không nhỏ từ con người, nguy cơ cháy vào mùa khô, đặc biệt là tình trạng sạt lở ven biển, ven sông. Gần 6.000 ha đất và rừng phòng hộ ven biển đã bị mất do sạt lở trong khoảng 10 năm trở lại đây, tương đương với diện tích bình quân của một xã.

Trong nhiều cuộc hội nghị gần đây liên quan đến công tác phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, không ít lần khẳng định, khôi phục và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển là giải pháp hữu hiệu nhất để giảm thiệt hại của thiên tai, trong những năm qua Cà Mau đã và đang tìm mọi cách để bảo vệ, khôi phục phần diện tích này.

Để khôi phục rừng phòng hộ ven biển cũng như bảo vệ rừng, bảo vệ tính mạng, tài sản và sản xuất của người dân, hàng loạt các dự án, công trình, giải pháp đã được tỉnh triển khai thực hiện trong suốt thời gian qua. Một trong số đó phải kể đến là đầu tư xây dựng kè và các công trình chống sạt lở. Tính đến nay toàn tỉnh đã đầu tư được hơn 54,4 km kè (biển Tây 41,5 km, Đông 12,9 km) trong tổng số hơn 171 km chiều dài bờ biển bị sạt lở ở mức độ rất nghiêm trọng và nghiêm trọng từ Tây sang Đông. Hiện nay, đang triển khai các bước đầu tư xây dựng 26 km bờ biển Tây và 28,6 km bờ biển Đông.

Hơn 1.000 ha rừng phòng hộ ven biển đã được phục hồi sau khi có kè tạo bãi.

Hệ thống công trình này đã khắc phục được tình trạng xói lở đất, rừng phòng hộ ven biển dần được phục hồi. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, cho biết thêm, tổng chiều dài các đoạn kè đã đầu tư, đang đầu tư, đề xuất đầu tư trong thời gian sắp tới bờ biển Tây là 89,546 km. Như vậy, còn khoảng 64,454 km bờ biển Tây có những vị trí đai rừng phòng hộ còn tương đối dày, có những vị trí ít nguy hiểm.

"Tuy nhiên, tỉnh luôn trên tinh thần tập trung cao độ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra tình hình, diễn biến sạt lở trên toàn bộ bờ biển để kịp thời xử lý khi có phát sinh các đoạn sạt lở mới. Đối với bờ biển Đông với tổng chiều dài sạt lở cần giải pháp bảo vệ là 82,3 km. Hiện nay đã và đang xây dựng, chuẩn bị đầu tư là 41,605 km. Tỉnh đang tiếp tục đề xuất mới các công trình bảo vệ bờ biển Đông với chiều dài 40,7 km", ông Hoai thông tin.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện đầu tư đê, kè phòng chống sạt lở, ông Hoai còn cho biết thêm, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mất rừng phòng hộ ven biển, thời gian qua công tác phòng, chống sạt lở luôn được theo dõi, kiểm tra và xử lý kịp thời. Theo đó, từ năm 2019 đến nay đã thực hiện các công trình kè tạo bãi để trồng rừng, triển khai dự án bơm bùn trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh nhiều khu vực bãi bồi ổn định, trồng cây ven sông, kênh… Nơi nào mặt bằng đảm bảo điều kiện cho việc trồng rừng là tiến hành trồng ngay.

Một thông tin đáng mừng là trong giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã bố trí 2.680 tỷ đồng đầu tư cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL từ nguồn đầu tư công trung hạn. Theo đó, trên địa bàn tỉnh được phân bổ khoảng 380 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư xây dựng 15 km kè giảm sóng gây bồi để trồng rừng bảo vệ bờ biển Tây. Mới đây, Dự án kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn các tỉnh Kiên Giang và Cà Mau đã được khởi động. Với nguồn kinh phí hơn 600 tỷ đồng, dự án đặt ra mục tiêu cụ thể là xây dựng và củng cố các đê biển hiện có để đạt được đê biển cấp 2. Trồng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển; nâng cao nhân lực và hiệu quả trong việc quản lý rừng, nhận thức của người dân…

Những năm qua, tỉnh luôn dành nhiều nguồn lực để đầu tư khôi phục và phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển. Với những nỗ lực này dù đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhưng cũng đã có hơn 1.200 ha rừng ngập mặn được phục hồi. Nhiều diện tích kênh bờ của người dân được san lấp để trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Đồng thời khoanh nuôi tái sinh hơn 300 ha khu vực bãi bồi ổn định tại Mũi Cà Mau.

Cán bộ Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tăng cường tuần tra bảo vệ rừng.

Ông Trần Văn Đồng, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, cho biết, mục tiêu quan trọng nhất trong phương án phát triển rừng bền vững của đơn vị là bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng đặc dụng.

Theo đó, để đạt được mục tiêu này, hàng loạt các giải pháp đã được xây dựng và đang triển khai vào thực tiễn. Trong đó, quan trọng nhất là nâng cao thu nhập của người dân dưới tán rừng để người dân trở thành một lực lượng cùng đơn vị và chính quyền địa phương tham gia công tác bảo vệ, phát triển rừng thông qua việc đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với nuôi trồng thuỷ sản ven biển.

Bảo tồn tài nguyên rừng, biển là giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu; giảm nhẹ thiên tai cho cộng đồng dân cư ven biển. Do đó, chính người dân cũng phải cộng đồng trách nhiệm cùng chính quyền địa phương và đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Bảo vệ được rừng đồng nghĩa với bảo vệ tài sản, đời sống và sản xuất của người dân./.

Theo Báo Cà Mau