Cà Mau: Liên kết chuỗi, cơ sở nâng sao OCOP

29/02/2024 - 14:32

Uỷ ban Nhân dân tỉnh vừa làm việc với các chủ thể và huyện Năm Căn về việc phát triển, nâng hạng sản phẩm OCOP, trong đó hỗ trợ các sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao.

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, Năm Căn là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP 4 sao nhiều, có tiềm năng và khả năng nâng lên 5 sao rất cao.

“Ðoàn công tác của UBND tỉnh đã “xông đất”, có buổi làm việc đầu tiên với huyện trong năm 2024, với nội dung huyện cũng rất tâm huyết, là nâng hạng sản phẩm OCOP. Ðây là cơ sở quan trọng để địa phương định hướng chủ thể phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là nhiệm vụ gắn 5 sao cho sản phẩm nông sản đặc trưng của vùng”, ông Huỳnh Minh Kiên, Chủ tịch UBND huyện Năm Căn, chia sẻ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử ( bìa phải) dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh kiểm tra thực tế tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Hoà Phát ( xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn), ngày 19/2/2024.

Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết: "Năm 2024, quyết tâm của tỉnh sẽ có 3-4 sản phẩm OCOP được gắn 5 sao. Ðể đạt 5 sao, sản phẩm phải vượt qua được sự đánh giá cực kỳ khó, với những tiêu chí khắt khe, từ một hội đồng của Bộ NN&PTNT. Các thành viên hội đồng sẽ đánh giá và nâng hạng các sản phẩm OCOP của tỉnh theo từng tiêu chí. Chủ thể phải chủ động hoàn thiện để khi hội đồng Trung ương vào thì mới dễ ăn điểm được. Một thực tế cần phải nhìn nhận là, thời gian qua các chủ thể OCOP, các hợp tác xã chưa quan tâm đến liên kết chuỗi trong sản xuất, chính vì thế hiệu quả và tính bền vững chưa cao”.

Năm 2023, huyện Năm Căn có 4 chủ thể, với 11 sản phẩm, được chứng nhận sản phẩm OCOP (6 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao). Trong đó, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Hoà Phát có 1 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao (bánh phồng tôm) và 2 sản phẩm đạt 3 sao (bánh phồng chuối, bánh phồng môn). Năm 2024, công ty này đăng ký nâng hạng lên 5 sao, 4 sao đối với các sản phẩm.

“Công ty đang gặp khó khăn về mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất; bên cạnh đó, tuyến lộ ô tô về trung tâm xã đang thi công nên khó vận chuyển hàng hoá, làm phát sinh chi phí vận chuyển. Công ty rất mong tỉnh, huyện tạo điều kiện mở rộng quy mô nhà xưởng hoặc chuyển vào sản xuất tại một khu công nghiệp nào đó để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Mai Sáu, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Hoà Phát, chia sẻ.

Ở góc độ kinh tế hợp tác, các hợp tác xã (HTX) kiểu mới đang phấn khởi hoàn thiện bộ tiêu chí để nâng sao cho các sản phẩm OCOP 4 sao.

Ông Trần Văn Mân, Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau, cho biết, Liên minh HTX sẽ có kế hoạch cụ thể hỗ trợ các chủ thể nâng sao thành công, trong năm nay cũng như những năm tiếp theo. Theo đó, tập trung vào các HTX triển vọng với những sản phẩm OCOP 4 sao tiềm năng, như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Minh Tâm (ấp Cơi 5B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), HTX Tân Phát Lợi (ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển)...

Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc HTX Tân Phát Lợi, cho biết: “Vừa qua, HTX rất phấn khởi khi đạt được chứng nhận ISO 22000:2018 cho lĩnh vực sản xuất bánh phồng tôm sú, bánh phồng cua, bánh phồng nghêu, bánh phồng hàu, tôm khô tách vỏ, tôm khô nguyên vỏ. Ðây là điều kiện quan trọng để HTX nâng lên 5 sao đối với những sản phẩm chủ lực của mình. Từ việc được tỉnh, huyện và địa phương quan tâm; sự nỗ lực của thành viên; chứng nhận ISO là động lực quan trọng để chúng tôi gắn 5 sao cho các sản phẩm tiềm năng”.

“Chủ thể phải nhất trí quan điểm, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Liên kết cùng phát triển, giữ vững thương hiệu là tiêu chí mà các chủ thể nên cân nhắc trong thời điểm này. Bởi lẽ, lợi nhuận của liên kết trong sản xuất sẽ là rất lớn cho tất cả các bên”, ông Lê Văn Sử nhấn mạnh.

Từ sự chủ động của tỉnh đến các địa phương, tâm thế sẵn sàng của các chủ thể; sự đồng lòng, quyết tâm cao, tin rằng năm nay sẽ có nhiều sản phẩm OCOP của Cà Mau được gắn 5 sao. Từ đó lan toả và nhân rộng phong trào trong các chủ thể ở các địa phương trong tỉnh./.

Theo PHÚ HỮU (Báo Cà Mau)