Cà Mau: Nhân lên điều tử tế

16/01/2024 - 14:45

Tháng cuối của năm, tôi ngồi ngẫm lại những chuyến tác nghiệp, chợt nhớ ra mình còn lưu nhiều tư liệu về câu chuyện tử tế trong cuộc sống mà chưa kịp viết. Xin được kể ra để cùng cảm nhận, cùng lan toả những tấm gương, việc làm tốt đẹp trong xã hội.

1. “Chị ơi, ấp của em có nhiều cái hay lắm, hôm nào chị xuống xem có viết bài được không”, Lê Quốc Toản, Trưởng ấp Ông Bích (xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) thông tin. Vài ngày sau tôi đến ấp ngay lúc địa phương đang tổ chức thông xe tuyến lộ dài 2.000 m, ngang 2,5 m. Không khí nhộn nhịp khiến tôi cũng vui lây. Xe ô tô, xe gắn máy nối đuôi nhau chạy một vòng, bọn trẻ nhảy nhót reo hò, người lớn đứng hai bên đường dõi theo mừng rỡ.

Trong dòng người hớn hở, gặp tôi, Toản liền khoe: “Theo kế hoạch con lộ này ngang chỉ 1,5 m, chi bộ trăn trở lần làm lần khó, phải chi được rộng hơn thì hay quá, nhưng trước mắt kinh phí hạn hẹp. Thế là tụi em họp dân bàn tính, được hết thảy 46 hộ trên tuyến đều đồng thuận đóng góp 570 triệu đồng, để mở rộng con lộ”.

Người dân ấp Ông Bích chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Xong lễ, Toản giới thiệu tôi đến gặp ông Huỳnh Văn Lộ, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp, người tiên phong góp 200 triệu đồng. Dọc theo con đường mới là những căn nhà tường kiên cố, xung quanh xanh mướt ruộng lúa, vườn rau, cây ăn trái đang vào vụ Tết. Chủ nhà Huỳnh Văn Lộ niềm nở đón tiếp, vừa rót nước mời khách vừa tâm tình: “Thời chiến, chính sức mạnh đoàn kết của dân đã làm nên đại thắng. Ngày nay cũng vậy, bà con phải chung sức chung lòng thì quê hương mới nhanh chóng đổi mới. Tôi từng đi qua chiến tranh, gầy dựng cuộc sống từ nghèo khó, gia đình tôi góp tiền làm đường cũng là cách để tri ân xứ sở đã cưu mang, chở che”.

Cựu chiến binh Huỳnh Văn Lộ (thứ 2 bên phải) cùng các đồng chí trong chi bộ phấn khởi trên con đường mới.

Từ tấm gương của người lính Cụ Hồ, gần đó, hộ ông Lê Văn Việt góp 100 triệu đồng, còn lại các hộ khác góp từ 10-50 triệu đồng. Nhìn các cháu nhỏ, bà con đi lại an toàn, thuận tiện ai nấy đều nở nụ cười hạnh phúc. Năm 2024, ấp Ông Bích tiếp tục làm thêm khoảng 1.200 m lộ để nối được với ấp Rạch Bào, hiện 24 hộ trên tuyến đang rất nôn nao, người tiết kiệm chi tiêu bỏ ống heo, người chăm chút đàn gà, ao cá... trong tư thế sẵn sàng góp tiền làm lộ.

“Còn một cái hay nữa chị ơi”, Trưởng ấp Lê Quốc Toản tiếp lời, đó là mấy tháng trước bà con trong ấp cùng nhau vây bắt đối tượng cướp giật tài sản. Chúng gồm 2 người ở Bạc Liêu và huyện Ðầm Dơi, đi xe máy đến địa bàn giật dây chuyền của người dân. Nhận được tin báo, cán bộ ấp huy động dân chặn xe, bắt được một tên, còn một tên trốn vào vườn nhà dân, vài tiếng sau bà con cùng lực lượng công an xã tóm gọn.

Chị Lê Thị Mỳ, Bí thư Chi đoàn ấp, kể: “Trong lúc chặn xe bọn cướp, tôi bị xịt hơi cay vào mắt, bà con thấy thế hô hoán càng lớn, cả xóm hay đều chạy ra tiếp ứng, khiến đối tượng không còn đường thoát”. Qua vụ việc đó, nhiều bà con được Công an huyện tặng giấy khen. Còn chi bộ, chính quyền phấn khởi vì luôn có dân đồng hành trong mọi việc.

Một điều tử tế tôi nhận thấy ở nơi này, đó là chính sự đoàn kết, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên đã huy động được sức mạnh từ dân, lấy sức dân để chăm lo cho dân.

2. Chuyện tử tế của người Cà Mau còn thể hiện ở tấm lòng sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, mang đến niềm tin, động lực cho người yếu thế qua bao mái ấm an cư, suất cơm nghĩa tình, hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh, cho mượn vốn làm ăn...

Trên địa bàn nông thôn hình thành nhiều tổ, nhóm thiện nguyện, họ gặp nhau ở lòng nhân ái, viết nên câu chuyện đẹp về tình người và giá trị nhân văn trong cuộc sống. Nhiều năm qua, bà Văn Kim Ứng, ở ấp Thứ Vải B, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, trích lợi nhuận mỗi năm từ 10-20 triệu đồng từ việc kinh doanh vật tư nông nghiệp để giúp đỡ hộ nghèo, hoàn cảnh bệnh tật. Việc tốt nhanh chóng lan toả, được bạn bè, đối tác làm ăn của bà Ứng đồng hành. Từ đó, năm 2016, Tổ từ thiện chùa Vạn Phước được hình thành, đến nay có 60 thành viên, góp phần tích cực vào công tác an sinh xã hội ở địa phương hằng năm khoảng 500 triệu đồng. 

Ngần ấy thời gian, người “cho đi” chắc hẳn khó nhớ hết những hoàn cảnh mà mình đã giúp đỡ, song, người nhận lại khắc sâu trong tâm. Chỉ trong tháng 12/2023, tổ đã huy động được gần 60 triệu đồng cùng nhiều nhu yếu phẩm, xe đạp trao cho 10 hoàn cảnh bệnh tật, nghèo khó. Ðó là hoàn cảnh vợ chồng bà Phạm Thị Út (78 tuổi) nhặt ve chai kiếm sống, lâm bệnh không tiền thuốc thang; bà Nguyễn Thị Lệ (62 tuổi) không đất đai, bệnh nặng; bà Phạm Thị He, ông Nguyễn Văn Ðô bị tai biến; anh Nguyễn Trọng Nguyễn (37 tuổi) bị bệnh lao phổi...

Chia sẻ của Tổ trưởng Tổ từ thiện Văn Kim Ứng, khiến tôi thầm cảm phục: “Tính ra mỗi người chỉ góp vài trăm ngàn đồng mỗi tháng, vận động người thân, bạn bè thêm là đủ giúp nhiều hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống. Tôi nghĩ những việc mình làm với niềm vui, tình yêu thương chính là chất xúc tác tạo ra hạnh phúc trong cuộc sống cho mọi người và chính mình".

Còn ở xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, có một nhóm thiện nguyện đặc biệt, bởi họ không phải là những ông chủ, bà chủ doanh nghiệp mà là những hội viên người cao tuổi. 19 thành viên của nhóm, có người buôn bán nhỏ, người nội trợ, người làm nông và có cả người giúp việc, song đều hăng hái giúp người. Những suất quà của họ mang đến cho hộ nghèo, hộ khó khăn không quá lớn, nhưng quý ở cách trao chân tình. Ðể có nguồn kinh phí, trước tiên, các thành viên tiết kiệm chi tiêu góp mỗi người 100 ngàn đồng/tháng, rồi vận động người thân, xóm giềng, nhà hảo tâm đồng hành.

Nhóm thiện nguyện của người cao tuổi xã Thạnh Phú cùng nhau “chở yêu thương” đến những hoàn cảnh kém may mắn.

Chở theo gạo, mì gói, bột ngọt, nước tương..., những cô, chú trên dưới 70 tuổi chầm chậm qua những dốc cầu cao, khúc cua gắt, để đến tận nhà người khó thăm hỏi từng hoàn cảnh, động viên họ vươn lên. Chị Lâm Thị Ðậm xúc động: “Con tôi bị bệnh bẩm sinh, 19 tuổi mà ngơ ngác như trẻ con, không biết nói, mọi sinh hoạt đều nhờ vào người khác. Gia đình tôi từng bế tắc thời gian dài. Gần đây, có các cô, chú đến thăm, thằng nhỏ trở nên vui vẻ, biết chào hỏi, gật đầu cảm ơn khi nhận quà bánh. Tấm lòng của các cô, chú thật đáng trân quý”.

Ông Nguyễn Thành Út, thành viên Tổ thiện nguyện Thạnh Phú, chia sẻ: “Công tác từ thiện - xã hội không chọn lựa người, không phân biệt tuổi tác, xuất thân gia đình, địa vị trong xã hội, bất kỳ ai có tâm “vì mọi người” đều có thể thực hiện trên tinh thần tự nguyện, miễn sao đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người cần mình giúp đỡ”.

Có một điểm chung của tất cả những nhân vật trong bài viết là họ muốn lặng lẽ làm việc có ích cho đời, không muốn “lên báo” hoặc nêu tên, vì họ cho rằng những việc đó là bình thường, không cần phô trương. Nhưng tôi nghĩ sự tử tế bắt đầu từ những việc bình dị, thường ngày, và đã là việc tử tế đều đáng trân trọng, tôn vinh để nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống./.

Theo MỘNG THƯỜNG (Báo Cà Mau)