Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự trên biển thời gian qua diễn biến phức tạp, như tranh chấp ngư trường, hoạt động đánh bắt sai vùng tuyến, sử dụng kích điện gây huỷ hoại nguồn lợi và tài nguyên khác trên biển. Bộ đội biên phòng (BÐBP) đã và đang có nhiều nỗ lực ngăn chặn các hoạt động đánh bắt mang tính huỷ diệt, bảo vệ nguồn tài nguyên, lập lại trật tự trên biển.
Ngoài số phương tiện gần 5.000 chiếc của địa phương, vùng biển Cà Mau còn thu hút khoảng 1.500 phương tiện của các tỉnh lân cận như Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu… từ đó đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp ngư trường; nhiều phương tiện lợi dụng sơ hở của cơ quan chức năng để đánh bắt sai vùng tuyến, đánh bắt mang tính huỷ diệt nguồn tài nguyên, hoặc không tuân thủ quy định về đảm bảo trang thiết bị an toàn cho người và phương tiện khi tham gia hoạt động trên biển. Ðáng báo động là tình trạng tranh chấp ngư trường giữa các phương tiện, đánh nhau gây thương tích, thậm chí dẫn đến chết người.
Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm
Mặc dù được tuyên truyền, nhắc nhở và cam kết hoạt động đánh bắt đúng quy định, nhưng thời gian gần đây nhiều thuyền trưởng vẫn điều khiển phương tiện hoạt động vi phạm trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản bị lực lượng BÐBP phát hiện, xử lý.
Chỉ tính từ cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2022 đến nay, các đồn, hải đội biên phòng đã phát hiện, bắt quả tang và xử lý 16 trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác, đánh bắt thuỷ sản, chủ yếu là hoạt động sai vùng tuyến. Ngoài xử phạt hành chính mỗi trường hợp hàng chục triệu đồng, các thuyền trưởng còn bị tước bằng thuyền trưởng thời gian 3 tháng.
Thượng tá Phùng Ðức Hưng (bìa phải) kiểm tra kế hoạch tuần tra bảo vệ vùng biển trên tàu Hải đội Biên phòng 2.
Trong số các trường hợp vi phạm, có nhiều trường hợp đánh bắt bằng hình thức giã cào và kích điện gây huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản nghiêm trọng. Hình thức đánh bắt bằng giã cào là sử dụng miệng cào lớn có gắn dường chì, thả sát mặt đất và dùng 2 phương tiện kéo đi. Tàu kéo chạy đến đâu thì cả một vùng biển đó sôi sục vì lớp bùn trên mặt đáy bị xới tơi tả trôi lên mặt nước. Theo các nhà hải dương học, lớp bùn trên mặt biển như một lớp thảm cho các loài thuỷ sản trú ngụ và sinh sản, khi bị xới cuộn lên sẽ gây ô nhiễm môi trường nước và các loài thuỷ sản không còn chỗ dựa, hoặc chết do nguồn nước ô nhiễm. Các hình thức đánh bắt này đã tàn phá nguồn lợi nghiêm trọng vì đa số các loài thuỷ sản được sinh sản trong mé cạn, khi lớn lên thì bơi ra vùng nước sâu để trưởng thành.
Ðiển hình, vào ngày 28/10/2022, lực lượng tuần tra của Hải đội Biên phòng 2 phát hiện tàu cá CM 36 TS do ông Nguyễn Thanh Việt, 53 tuổi, ngụ thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, làm chủ kiêm thuyền trưởng và tàu cá CM 97964 TS do ông Trần Văn Dũng, 46 tuổi, ngụ thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân, làm thuyền trưởng đang tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thuỷ sản. Ðơn vị đã xử phạt hành chính mỗi trường hợp 12.500.000 đồng và tịch thu, tiêu huỷ các bộ kích điện.
Ðại uý Phan Minh Toàn, Phó hải đội trưởng Hải đội Biên phòng 2, BÐBP tỉnh, cho biết: “Quá trình tuần tra trên biển, nhiều trường hợp khi phát hiện có tàu tuần tra của đơn vị từ xa đã chủ động cắt bỏ ngư cụ để trốn chạy. Ðiển hình, vào ngày 9/11 vừa qua, 2 tàu hoạt động nghề cào đôi, khi phát hiện có lực lượng biên phòng tuần tra đã cắt đứt miệng lưới giã cào và bỏ chạy. Chúng tôi đã trục vớt tang vật là 2 miệng lưới giã cào. Vụ việc này được Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh chỉ đạo, các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát; đồng thời phối hợp các lực lượng, các đơn vị giáp ranh truy tìm 2 tàu đánh cá bỏ chạy để xử lý theo quy định. Nếu chủ tàu cá chủ động đến các đơn vị biên phòng khai báo, sẽ được xem xét giảm nhẹ”.
Thượng tá Phùng Ðức Hưng, Chỉ huy trưởng BÐBP tỉnh, cho biết, việc xử lý người, phương tiện vi phạm cũng tuỳ theo từng vụ việc, tính chất, mức độ để xử lý, nhằm tạo điều kiện cho ngư dân làm ăn và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước, đồng thời giúp ngư dân ý thức được việc ra vào hoạt động đánh bắt, khai thác, trao đổi hàng hoá trong phạm vi cho phép, đúng quy định pháp luật. Ðối với các trường hợp cố tình vi phạm, tái phạm, đơn vị sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định.
Ngư dân cam kết không vi phạm các quy định trong đánh bắt thuỷ sản.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát
Theo Thượng tá Phùng Ðức Hưng, để làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào địa bàn biên giới biển của tỉnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị cơ sở triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng; làm tốt công tác tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn cũng như bà con ngư dân ngoài tỉnh để người dân thấy được trách nhiệm, nâng cao ý thức pháp luật, tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước khi ra vào địa bàn. Ðồng thời, khi ra biển hoạt động phải chấp hành nghiêm quy định đảm bảo an toàn cho người, phương tiện; đánh bắt khai thác đúng ngành nghề đăng ký, hoạt động đúng vùng tuyến, có trách nhiệm bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản trên biển; đặc biệt nghiêm cấm vi phạm vùng biển nước ngoài. Khi phát hiện có tàu thuyền nước ngoài, hoặc các hành vi vi phạm vùng biển Việt Nam thì nhanh chóng thông báo cho BÐBP để có biện pháp xử lý.
Ðể kịp thời nắm bắt, trao đổi tình hình trên biển và giúp ngư dân an tâm lao động sản xuất, BÐBP đã cung cấp tần số thông tin liên lạc cho ngư dân theo số 9339 KHz (số chung toàn lực lượng BÐBP Việt Nam), ngoài ra, tại Cà Mau có thêm 5 đài đặt tại Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh và Ðồn Biên phòng Rạch Gốc, Sông Ðốc, Khánh Hội và Cái Ðôi Vàm. Thời gian trực canh 15 phút vào đầu các giờ chẵn, khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới thì trực canh 24/24 giờ. Ngoài các tần số thông tin liên lạc nói trên, BÐBP còn theo dõi qua hệ thống giám sát hành trình, khi ngư dân có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài, hay gặp nạn trên biển, BÐBP sẽ phối hợp chủ tàu kêu gọi và hỗ trợ ngư dân khi cần thiết.
Thượng tá Phùng Ðức Hưng thông tin thêm, từ tình hình thực tế, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh xác định, làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ ở các đơn vị cơ sở. Vì vậy, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên học tập nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống; cấp uỷ, chỉ huy đơn vị thường xuyên kiểm tra đôn đốc, tổ chức quán triệt học tập nâng cao nhận thức chính trị, thật sự “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư". Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm quy chế khu vực biên phòng, nhất là các văn bản pháp luật; tích cực tham gia cùng BÐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới biển của tỉnh./.
Theo LÊ KHOA (Báo Cà Mau)