Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay toàn tỉnh xuống giống 37.738 ha, tăng 5,12% so kế hoạch, tăng 1,59% so cùng kỳ. Các giống lúa được chọn như: OM5451, ST24, ST25, OM2517, Một bụi đỏ, Một bụi lùn, Lùn mẳn..., lúa ở giai đoạn chín rộ.
Tuy nhiên, đáng quan tâm, những ngày gần đây khi nhiều diện tích lúa - tôm đang bước vào thu hoạch rộ thì giá lúa lại giảm ngày một nhiều. Cụ thể, giá lúa tươi các loại giống như: OM2517, OM451, BTE1 giá bán từ 5.700-6.700 đồng/kg, giảm 300-500 đồng/kg so cùng kỳ. Giá lúa chất lượng cao như giống ST24, ST25 dao động từ 6.000-7.300 đồng/kg, giảm từ 500-2.000 đồng/kg so cùng kỳ. Ðặc biệt, đối với một số diện tích lúa bị đổ ngã do mưa, dông, nông dân chỉ bán được với giá 6.000 đồng/kg.
Ðiều đáng nói, thời điểm thu hoạch trà lúa - tôm năm nay không trùng thời điểm thu hoạch vụ đông xuân trong tỉnh và cả khu vực ÐBSCL nên sản lượng lúa không nhiều, cung không vượt cầu; hiện nay giá gạo xuất khẩu trên thế giới cũng đang ổn định, tuy nhiên, giá lúa lại giảm mạnh so với cùng kỳ. Nguyên nhân giá lúa giảm, theo người dân cho biết là do bị thương lái ép giá. Ðáng chú ý, tại một số nơi vận chuyển khó, nông dân chưa tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã thì thương lái ít đến mua và giá càng giảm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều nông dân.
Nông dân huyện Thới Bình thu hoạch rộ vụ lúa - tôm. Ảnh: HOÀNG VŨ
Anh Phạm Văn Thương, thương lái thu mua lúa đến từ tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Khâu vận chuyển lúa hầu hết bằng đường thuỷ, do đường bộ bị hẹp, cầu trọng tải thấp, hệ thống kênh rạch nhiều, độ thông thuyền thấp, các phương tiện vận tải lớn thu mua không di chuyển được (chỉ có ghe 20-30 tấn) nên phát sinh chi phí và thời gian vận chuyển kéo dài”.
Theo ghi nhận của phóng viên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá”, ngoài yếu tố sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nông dân bị thương lái ép giá, thì còn do người dân sản xuất cùng loại cây, con, giống với diện tích lớn, dẫn đến cung vượt cầu.
Ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết, ngành nông nghiệp đã có quy hoạch, hàng năm đều có hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu giống đều có tính đến yếu tố cung cầu, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhưng việc kiểm soát thực hiện quy hoạch là rất khó, do có quá nhiều hộ nông dân tham gia sản xuất. Trong khi đó, các hộ tham gia chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ khiến việc điều tiết để khớp hoàn toàn giữa nhu cầu thị trường với kế hoạch sản xuất là không hề đơn giản.
Ông Thức thông tin, vụ lúa - tôm năm nay, cơ cấu giống lúa thơm đặc sản phát triển quá nhanh, diện tích canh tác giống lúa ST24, ST25 là 11.399 ha, chiếm 30,5% diện tích xuống giống. Trong đó, diện tích các công ty, doanh nghiệp liên kết bao tiêu khoảng 5.000 ha, chiếm 50%, còn lại chưa có liên kết bao tiêu. Bên cạnh đó, vụ lúa - tôm năm nay các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh diện tích canh tác lúa ST24, ST25 tăng cao nên việc tiêu thụ rất khó khăn, dẫn đến giá giảm mạnh.
Ngoài những nguyên nhân thuộc về sản xuất thì năng lực quản lý, tổ chức sản xuất của các HTX còn hạn chế, nhất là sắp xếp việc thu hoạch tiêu thụ lúa chưa chặt chẽ, chưa huy động được nhân công, máy suốt chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng lúa hàng hoá đối với doanh nghiệp liên kết tiêu thụ số lượng lớn; việc liên kết của HTX với hộ sản xuất bên ngoài HTX có những vấn đề chưa được thống nhất, chưa có sự chia sẻ khó khăn, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến vi phạm hợp đồng tiêu thụ. Chính vì thế, giá cả thị trường phụ thuộc vào thương lái, tình trạng “được mùa, mất giá” thường xuyên xảy ra.
Theo ông Thức, để tháo gỡ khó khăn này, trước mắt tiếp tục mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các thương lái, doanh nghiệp trong ngoài tỉnh đến thu mua lúa cho nông dân. Ðối với việc vận chuyển, yêu cầu người dân, nhất là vùng sâu, hệ thống đường thuỷ nhỏ, hẹp, lượng lúa ít, vận chuyển lúa tập trung đầu mối nơi giao thông đường bộ, đường thuỷ thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, thương lái đến thu mua.
Về lâu dài, tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất làm ra sản phẩm lúa phải đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn của doanh nghiệp mới có thể bán được giá theo hợp đồng. Ðồng thời, tiếp tục đẩy mạnh, củng cố, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giữa HTX, người dân với doanh nghiệp, thương lái. Ðặc biệt, tăng cường liên kết ngang (giữa người sản xuất với người sản xuất), liên kết dọc (giữa doanh nghiệp, thương lái với HTX, người sản xuất); liên kết đầu vào, đầu ra đảm bảo lợi ích các bên, tránh tình trạng phá vỡ liên kết. Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chỉ đạo sản xuất, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, tích cực hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các bên trong khâu liên kết sản xuất.
Từ trước đến nay, chuyện “được mùa, mất giá” diễn ra thường xuyên như một quy luật tất yếu của thị trường, song vẫn đáng lo ngại khi vấn đề này cứ lặp đi lặp lại trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi từ năm này sang năm khác mà ngành nông nghiệp vẫn chưa có lời giải./.
Theo TRUNG ĐỈNH (Báo Cà Mau)