Thực hiện hiệu quả mô hình “Mỗi tuần một sản phẩm”, đến nay, các cơ sở hội đã giới thiệu được 384 sản phẩm, trong đó có khoảng 20 sản phẩm OCOP. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã khảo sát, chọn thêm 45 sản phẩm tiềm năng của phụ nữ để có hướng hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP thời gian tới đây.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thuý, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết, các cấp hội phụ nữ đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ chị em khởi nghiệp, không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động nữ trên địa bàn. Ðặc biệt, với Ðề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025" đã giúp hàng trăm chị em tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng khởi nghiệp, nhờ đó nhiều phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thành công.
Một số chị em là chủ thể OCOP, chủ một số cơ sở sản xuất, HTX tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại “Ngày hội mua sắm khuyến mãi - ẩm thực”, diễn ra từ ngày 26/8-3/9, tại Quảng trường Thanh niên (TP Cà Mau).
Những kinh nghiệm khởi nghiệp
Góp mặt trong “Ngày Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp thành công, phát triển sản phẩm OCOP”, tại huyện Trần Văn Thời cuối tháng 8 vừa qua, chị Ðặng Thị Thuý (chủ cơ sở sản xuất 9 Thuý) thuộc HTX Nông Thịnh Phát, ấp Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, đã có những chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp khá thú vị để chị em cùng học tập.
Theo lời chị Thuý, khi bắt tay vào khởi nghiệp từ nghề gia truyền của gia đình, chị cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong kinh nghiệm quản lý kinh doanh, thiếu vốn đầu tư, giải quyết đầu ra cho sản phẩm... Nhưng với quyết tâm khởi nghiệp, chị không ngừng nghiên cứu, tạo ra sản phẩm mang hương vị đặc trưng riêng của quê mình. Ðến nay, chị Thuý đã có 3 sản phẩm OCOP 3 sao (mắm ruốc xào, mắm tép, khô cá đù một nắng), đồng thời hướng tới sẽ tham gia thêm một số sản phẩm (ruốc sấy khô, tôm xẻ một nắng, bánh tráng cá cơm, cá cơm rim nước mắm và khô cá mối...).
Chị Đặng Thị Thuý (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu sản phẩm của mình trong “Ngày Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp thành công, phát triển sản phẩm OCOP”, ngày 31/8 vừa qua.
Hằng năm, cơ sở sản xuất của chị Thuý bán ra thị trường khoảng 50-60 tấn mắm, khô các loại, góp phần giải quyết việc làm cho trên 25 lao động nữ, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Với những nỗ lực và kết quả trên, chị Thuý đã nhận bằng khen của UBND tỉnh, Hội LHPN tỉnh về phong trào khởi nghiệp năm 2022.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm OCOP, trong quá trình khởi nghiệp, nhiều chị em còn một số khó khăn. Ðiển hình như việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ còn ít; chính sách hỗ trợ các sản phẩm tham gia OCOP hiện nay chủ yếu là lồng ghép từ nhiều chương trình, còn chồng chéo, chưa phát huy hết hiệu quả. Quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm OCOP phải cạnh tranh nhiều với những mặt hàng cùng loại của các doanh nghiệp lớn; số lượng HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh chế biến sản phẩm đạt chuẩn OCOP chưa nhiều, hiện nay chỉ có 12 chủ thể là nữ, với khoảng 20 sản phẩm OCOP; việc tổ chức liên kết, kết nối giữa sản phẩm, chế biến và tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn còn khó khăn...
Chị Trần Thanh Nhanh, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, thành viên HTX tôm rừng Rạch Gốc, cho biết, khó khăn nhất đối với chị em trong quá trình khởi nghiệp hiện nay là cần nguồn vốn đầu tư và đầu ra ổn định. Ðối với nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án thì rất hạn chế, trong khi đầu tư các mặt hàng cho ngành tôm, cua, hải sản tươi sống, tôm khô tại HTX cần nguồn lực rất lớn. Ðồng thời, sản phẩm làm ra lại cạnh tranh trên chính sân nhà, giữa các cơ sở, doanh nghiệp trong tỉnh nên đầu ra cho sản phẩm OCOP cũng như sản phẩm tiềm năng của đơn vị gặp nhiều khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thuý cho biết, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn lực cả về vật chất lẫn tinh thần hỗ trợ chị em khởi nghiệp. Ðiều quan trọng là tập trung hỗ trợ phụ nữ tạo ra sản phẩm mà thị trường đang cần. Khuyến khích chị em cải tiến, phát triển sản phẩm để đạt được tiêu chuẩn OCOP, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh bán hàng trên các kênh thương mại điện tử, kết nối tiêu thụ sản phẩm không chỉ trong và ngoài tỉnh, thậm chí ra nước ngoài, thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm, góp phần tăng sản lượng, nâng cao thu nhập và đời sống hội viên./.
Theo LOAN PHƯƠNG (Báo Cà Mau)