Cà Mau: Phòng, chống bệnh không lây nhiễm

02/05/2024 - 15:44

Bệnh không lây nhiễm (KLN), thường là các bệnh mạn tính, bệnh phát triển và tiến triển chậm kéo dài trong nhiều năm, đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài thậm chí cả cuộc đời.

A A

Toàn quốc có khoảng 22 triệu người mắc bệnh KLN. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Cứ 10 người chết thì có gần 8 người chết do các bệnh KLN. Ứớc tính năm 2016, Việt Nam có 548.800 ca tử vong, trong đó tử vong do bệnh KLN chiếm 77% (424.000 ca), 44% số ca tử vong do bệnh KLN là trước 70 tuổi. Gánh nặng bệnh tật do bệnh KLN chiếm 70% tổng gánh nặng bệnh tật.

Kiểm tra sức khoẻ thường xuyên và hạn chế tiếp xúc các yếu tố nguy cơ để phòng chống các bệnh không lây nhiễm.  (Ảnh minh hoạ)

Bác sĩ Ngô Minh Phước, Trưởng Khoa phòng, chống bệnh không lây nhiễm- Chăm sóc sức khoẻ tâm thần, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết: “Các bệnh không lây nhiễm nhìn chung không khả năng lây truyền, có nguyên nhân phức tạp, do nhiều yếu tố nguy cơ gây nên. Bệnh phát triển và tiến triển chậm trong nhiều năm, có thể gây ra tàn tật, khó chữa khỏi hoàn toàn. Thế giới và Việt Nam hiện nay đang ưu tiên 4 nhóm bệnh phổ biến và nguy hiểm: tim mạch (tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim...); ung thư các loại; đái tháo đường; bệnh hô hấp mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản). Các bệnh này đều có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân chủ yếu gây tàn tật và tử vong ở người trưởng thành nhưng có chung một số yếu tố nguy cơ có thể phòng, tránh được”.

Các bệnh KLN thường không xác định được nguyên nhân cụ thể mà có một nhóm yếu tố góp phần làm bệnh phát triển gọi là yếu tố nguy cơ, bao gồm: yếu tố nguy cơ về hành vi như hút thuốc, sử dụng rượu, bia, dinh dưỡng không hợp lý và thiếu hoạt động thể lực. Các yếu tố sinh lý/chuyển hoá (yếu tố nguy cơ trung gian/tình trạng tiền bệnh): tăng huyết áp, thừa cân béo phì, tăng đường máu và rối loạn mỡ máu. Các yếu tố môi trường (kinh tế - xã hội tác động đến sức khoẻ) như nghèo đói, thiếu kiến thức, già hoá, đô thị hoá và toàn cầu hoá... là nguyên nhân sâu xa, gốc rễ liên quan đến sự gia tăng các yếu tố nguy cơ. Ngoài ra, còn các yếu tố nhiễm trùng (viêm gan B, HPV); yếu tố không thể thay đổi được (sinh học: tuổi, giới, gen, chủng tộc…)

Hiện nay, ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm số ca mắc trong cộng đồng. Cụ thể: dựa trên nền tảng y học dự phòng và chăm sóc sức khoẻ ban đầu; tiếp cận theo cả chu trình và cuộc đời; tiếp cận toàn diện bao gồm nâng cao sức khoẻ, dự phòng, điều trị sớm, điều trị lâu dài, phục hồi chức năng. Có can thiệp phù hợp với từng nhóm quần thể. Đối với nhóm khoẻ mạnh: nâng cao sức khoẻ, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ; đối với nhóm có hành vi nguy cơ, thực hiện truyền thông giáo dục sức khoẻ, thay đổi các yếu tố nguy cơ; nhóm tiền bệnh, phát hiện sớm, dự phòng, quản lý tại cộng đồng; nhóm bệnh nhân: bệnh nhân mạn tính, ngoài giai đoạn cấp tính điều trị tại bệnh viện cần quản lý điều trị, chăm sóc lâu dài, liên tục tại tuyến y tế cơ sở.

Thực hiện lồng ghép phòng, chống yếu tố nguy cơ chung (hút thuốc, uống rượu, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực) để phòng, chống đồng thời một số bệnh KLN (tim mạch, đái tháo đường, ung thư, COPD). Lồng ghép vào các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, hầu hết thời gian cần phải theo dõi, quản lý điều trị lâu dài tại cộng đồng.

“Nếu loại trừ được các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực và sử dụng rượu bia sẽ phòng được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và trên 40% các bệnh ung thư. Các bệnh KLN có thể không xác định được nguyên nhân cụ thể, tuy nhiên nó điểm chung, là nhóm yếu tố góp phần làm phát triển bệnh và chúng ta gọi là yếu tố nguy cơ. Chính vì vậy, việc thay đổi lối sống, thay đổi các hành vi nguy cơ ngay từ bây giờ chính là bảo vệ sức khoẻ bản thân, gia đình và xã hội”, Bác sĩ Ngô Minh Phước thông tin./.

Theo LÊ KIM (Báo Cà Mau)