Khai thác điều kiện tự nhiên, tỉnh đang xúc tiến các bước quy hoạch Đầm Thị Tường trở thành khu du lịch sinh thái mang tính đặc trưng sông nước Cà Mau.
Những tháng đầu năm tình hình nắng nóng, hạn hán diễn ra gay gắt, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cục bộ gây thiệt hại sản xuất, sụt lún, sạt lở đất bờ sông, bờ biển và nhiều tuyến giao thông. Khi mùa mưa đến thì gây ngập úng vùng ngọt hoá, đặc biệt tại huyện Trần Văn Thời, với trên 600 ha lúa bị ảnh hưởng, nhiều nơi sạt lở đất, nhà bị sập và tốc mái do mưa dông, lốc xoáy.
Nhìn lại kết quả đạt được 9 tháng qua của năm, nhận thấy thực tế là các mô hình, điển hình sản xuất hiệu quả chậm được nhân rộng trong dân; phát triển sản xuất chưa đi vào chiều sâu, chưa theo chuỗi giá trị sản xuất. Việc thành lập hợp tác xã, củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể còn chậm.
Thành lập mới doanh nghiệp giảm 15% so cùng kỳ; số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng nhiều hơn so cùng kỳ 79 doanh nghiệp (9 tháng qua có 299 doanh nghiệp ngưng hoạt động).
Tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, một số công trình, dự án còn chậm; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp (đạt 43,6%; cùng kỳ 55,1%); một số nơi công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quản lý tài chính chưa chặt chẽ, có nơi để xảy ra vi phạm nghiêm trọng.
Đầu tư, chỉnh trang đô thị phát triển xứng tầm và theo quy hoạch. (Ảnh: Cầu Phan Ngọc Hiển, TP Cà Mau)
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi, năm 2024 tỉnh xác định chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP từ 7-7,5%. Kết quả, quý I tăng trưởng 6,94%, quý II tăng trưởng 6,4% và quý III tăng trưởng 6,55%. Tổng 9 tháng tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 6,45%. Để đạt ở mức thấp nhất theo chỉ tiêu đề ra 7%, thì quý IV phải tăng trưởng trên con số đó mới bù đắp được, nhưng xem ra khá khó khăn. Tuy nhiên, xét thấy dư địa một số lĩnh vực còn nhiều tiềm năng, dự báo tăng tốc, trong đó cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công, sẽ góp phần bù đắp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; kế đó là tăng trưởng trên lĩnh vực chế biến - xuất khẩu thuỷ sản, kéo theo phát triển chỉ số sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ...
Phong trào xây dựng nông thôn mới đang có biểu hiện chững lại, theo đó, trong thời gian tới cần tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, không ngơi nghỉ, xây dựng nông thôn ngày thêm phát triển về mọi mặt. (Ảnh: Tuyến đường nông thôn trên địa bàn ấp Giao Vàm, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời)
Từ thực tế trên, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu tiếp tục phát huy, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, trong chỉ đạo, điều hành phát triển mọi lĩnh vực tại địa phương, đơn vị với kết quả phấn đấu tốt nhất, với tinh thần quyết tâm cao nhất.
Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu thường xuyên theo dõi sát diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời, hướng dẫn người dân chủ động trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi phù hợp; tăng cường ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ vào sản xuất; tổng kết, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao; tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị; củng cố, nâng cao chất lượng kinh tế tập thể, tổ hợp tác và hợp tác xã; tập trung phát triển sản xuất theo hướng đa cây, đa con nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững.
Về thực hiện triệt để và mang lại hiệu quả lâu dài theo Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu cần làm quyết liệt, thường xuyên và tạo thành phong trào đi vào chiều sâu, trở thành hành động mang tính tự giác, cùng chung tay ngăn chặn tình trạng khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính huỷ diệt, nhất là đánh bắt, khai thác, mua bán cá non; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để tái diễn tình trạng sử dụng các phương tiện, ngành nghề khai thác, hoá chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện... để khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính huỷ diệt.
Cần tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. (Ảnh minh hoạ: Sản xuất, kinh doanh nghề hủ tiếu hộ gia đình tại xã Tắc Vân, TP Cà Mau).
Đối với đầu tư công, dự án nào có khối lượng mà không có hồ sơ đi kèm kịp thời, dẫn đến chậm giải ngân, Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu xử lý ngay trách nhiệm chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn thiếu trách nhiệm trong phối hợp. “Câu chuyện này đã chỉ đạo từ lâu, rất nhiều lần, tuy nhiên tình trạng chậm giải ngân trong khi đã có khối lượng vẫn tồn tại. Đã đến lúc cần phải kiên quyết xử lý trách nhiệm”, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Lâm Văn Bi khẳng định: "UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh luôn kiểm soát, đánh giá chặt về tỷ lệ giải ngân so với khối lượng thực tế tại công trình của các dự án đối với từng chủ đầu tư, trên hiện trường, chứ không chỉ qua sổ sách của kho bạc. Đến cuối tháng 9, khối lượng đã có trên công trình còn hơn 170 tỷ đồng chưa làm thủ tục giải ngân, là thiếu sót của chủ đầu tư và các cơ quan liên quan, là nguyên nhân chủ quan dẫn đến tỷ lệ chung về giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chưa đạt yêu cầu".
“Đây là công tác tác nghiệp nội bộ, có khối lượng thì phải giải ngân, đáng phê bình, đáng chê trách”, ông Lâm Văn Bi chỉ rõ, đồng thời chỉ đạo các đơn vị phải nghiêm túc trong phối hợp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhất là đối với các công trình trọng điểm, công trình mang tính đột phá, tạo điểm nhấn phát triển cho địa phương.
Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến lộ thị trấn U Minh - Khánh Hội (huyện U Minh) hiện còn vướng mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ, ảnh hưởng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chung toàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: “Trước mắt chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức, trong khi thời gian thực hiện của năm và cả nhiệm kỳ không còn dài, cần tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa trong thực thi công vụ, nhiệm vụ một cách nghiêm túc hơn, bài bản hơn và có hiệu quả cao nhất”.
“Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, các cấp, các ngành tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục có hiệu quả các mặt còn hạn chế, yếu kém trong 9 tháng đầu năm; tập trung rà soát, đánh giá chính xác từng ngành, lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực trọng tâm, then chốt, xác định nguồn lực, đề ra các giải pháp, chính sách cụ thể, có tính đột phá để thực hiện từng chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Quyết tâm hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh đề ra”, Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu./.
Theo TRẦN NGUYÊN (Báo Cà Mau)