Cà Mau: Sân chơi bổ ích từ vật liệu tái chế

13/06/2022 - 08:16

Nhờ đôi bàn tay khéo léo của đoàn viên thanh niên (ĐVTN), những phế phẩm: vỏ xe cũ, ván cũ, vỏ chai nhựa... đã được “hồi sinh”, có thêm một vòng đời ý nghĩa. Các sân chơi bằng vật liệu tái chế này đã tạo môi trường năng động cho trẻ em ở nhiều địa phương, khuyến khích các em rèn luyện thể thao, nâng cao sức khoẻ thể chất và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

A A

Với tinh thần sáng tạo, xung kích, tình nguyện của ĐVTN, thời gian qua, Huyện đoàn Trần Văn Thời đã xây dựng được 6 sân chơi bằng vật liệu tái chế cho thiếu nhi tại các địa bàn đông dân cư, khó khăn, các em dân tộc thiểu số chưa có điều kiện tham gia nhiều hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh.

Sử dụng các vật liệu tái chế làm thành những đồ chơi ngộ nghĩnh, đáng yêu, vừa an toàn, vừa gần gũi với thiên nhiên như: bập bênh, xích đu; mô hình các con vật: hươu cao cổ, thỏ, ngựa, sâu, chim cánh cụt, bồn hoa… Bằng óc sáng tạo cùng bàn tay khéo léo và sự nhiệt tình của ĐVTN, các sân chơi đã hoàn thành trong thời gian nhanh nhất để phục vụ thiếu nhi.

Từ năm 2017 đến nay, Huyện đoàn Trần Văn Thời và các cơ sở đoàn trực thuộc đã đóng góp và huy động xã hội hoá cùng ngày công lao động đóng góp của ĐVTN xây dựng 6 công trình sân chơi cho thiếu nhi tại các xã: Khánh Bình Đông, Khánh Bình, Khánh Hưng, Phong Lạc, Khánh Hải và thị trấn Trần Văn Thời.

6 công trình sân chơi này đều sử dụng vật liệu tái chế được mua với giá rẻ và được ĐVTN sáng tạo thành những đồ chơi, vật dụng dành cho thiếu nhi. Mỗi sân chơi được xây dựng với diện tích khoảng 120 m2. Đồng thời, ĐVTN cũng tích cực trồng thêm cây xanh, bồn hoa tại các điểm vui chơi, nhằm tạo thêm không gian xanh, sạch, đẹp và an toàn cho trẻ em.

ĐVTN xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, làm sân chơi cho thiếu nhi từ vỏ xe cũ, tấm ván cũ, vỏ chai nhựa…

Chị Lâm Yến Nhi, Bí thư Huyện đoàn Trần Văn Thời, cho biết: “Công trình sân chơi cho thiếu nhi làm bằng vật liệu tái chế có ý nghĩa quan trọng, vừa thể hiện sự chăm lo của tổ chức Đoàn đối với thiếu nhi trên địa bàn, vừa giúp Huyện đoàn triển khai phong trào chống rác thải nhựa. Các điểm vui chơi giải trí cho thiếu nhi từ những vật liệu tái chế còn giúp các em rèn luyện sức khoẻ và biết bảo vệ môi trường xung quanh. Thời gian tới, Huyện đoàn sẽ tiếp tục vận động từ các nguồn lực xã hội để tạo thêm nhiều sân chơi nữa, đồng thời khuyến khích ĐVTN sáng tạo thêm nhiều vật dụng tại các điểm vui chơi này”.

Không chỉ huyện Trần Văn Thời, Huyện đoàn Cái Nước cũng đã triển khai được 4 công trình sân chơi thiếu nhi bằng vật liệu tái chế từ năm 2018.

Theo đó, diện tích sân chơi được bố trí tại các trường học, nhà văn hoá khu hoặc các diện tích đất phù hợp trên địa bàn xã để thực hiện.

Anh Phan Vĩnh Phú, Bí thư Huyện đoàn Cái Nước, chia sẻ: “Xuất phát từ nhu cầu thực tế, mong muốn có chỗ vui chơi giải trí, tham gia các hoạt động thể dục thể thao rèn luyện sức khoẻ cho thiếu nhi tại các địa phương trong huyện, Huyện đoàn Cái Nước đã lựa chọn và bố trí diện tích đất phù hợp để triển khai làm sân chơi cho thiếu nhi. Tổng giá trị 4 công trình khoảng 100 triệu đồng, được huy động từ nguồn đóng góp của ĐVTN và các nguồn xã hội hoá khác. Sau khi các công trình hoàn thành đã tạo ra một sân chơi vận động bổ ích, lành mạnh cho thiếu nhi tại các xã có đông dân cư sinh sống. Qua đây, không chỉ giúp các em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, mà còn góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của thiếu nhi, người dân trong việc tiết kiệm, linh hoạt sử dụng, tái chế các vật liệu cũ để làm việc có ích, thiết thực bảo vệ môi trường. Tới đây, Huyện đoàn Cái Nước tiếp tục huy động các nguồn xã hội hoá, tạo kinh phí triển khai sân chơi cho thiếu nhi tại các xã vùng xa còn nhiều khó khăn”.

Những phế phẩm qua bàn tay khéo léo của ĐVTN được tạo hình, sơn màu, trang trí hình vẽ bắt mắt, tạo sự hấp dẫn đối với các em thiếu nhi.

Trong 5 năm qua, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã huy động các nguồn lực xã hội, cùng với sự tham gia đóng góp của ĐVTN đã xây mới được 78 sân chơi và sửa chữa 20 sân chơi thiếu nhi. Mỗi sân chơi trị giá từ 15-16 triệu đồng; riêng những sân chơi có được sự tham gia ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thì khoảng 40 triệu đồng. Ngoài làm đồ chơi, các địa phương còn làm bồn hoa, vẽ tranh tường, nhằm thu hút thiếu nhi đến vui chơi sau những giờ học tập căng thẳng.

Cùng với nhiệm vụ học tập, hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh là nhu cầu chính đáng không thể thiếu của trẻ em. Mặc dù không thuận lợi bằng trẻ em tại thành phố có điều kiện vui chơi tại các công viên, khu vui chơi dịch vụ dành cho trẻ em, nhưng cùng với các nguồn lực xã hội, tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của ĐVTN tại các địa phương đã mang đến những sân chơi mới, an toàn và bổ ích cho đông đảo thiếu nhi ở một số xã vùng sâu, vùng xa, nông thôn trên địa bàn tỉnh./.

Theo Báo Cà Mau