Gia đình chị Võ Kim Chúc, ấp Tân Quảng B, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, có hoàn cảnh khó khăn. Chồng chị chẳng may qua đời do nhiễm Covid-19, mọi gánh nặng mưu sinh đều dồn lên vai chị. Ðể lo cho gia đình 4 người, hàng ngày từ 7 giờ sáng chị phải vượt hàng chục cây số để đến chỗ may gia công. Thu nhập mỗi ngày được 100 ngàn đồng, tuy ít ỏi nhưng chị vẫn quyết tâm cho 3 đứa con học hành, dù đôi lúc kiệt sức vì chi phí học tập ngày một tăng cao.
Chị Chúc tâm sự: “Tôi có 3 đứa con, năm học tới đứa vào lớp 10, đứa học lớp 7 và đứa học lớp 6. Năm nào cũng vậy, cứ bước vào năm học mới là tôi bắt đầu lo lắng, nào là mua sách giáo khoa, tập vở, quần áo, học phí... mà mỗi năm mỗi tăng lên chứ không giảm. Biết là chi phí đi học của 3 đứa nhiều lắm nhưng tôi vẫn cố gắng hết sức, vì chỉ có đi học mới mong cuộc sống sau này tốt hơn tôi”.
Chị Chúc cố gắng may gia công để có tiền mua sắm cho 3 đứa con.
Theo tính toán của chị Chúc, mỗi đứa một bộ sách giáo khoa, rồi tập vở, dụng cụ học tập nữa cũng gần 1 triệu đồng, chưa kể tiền mua quần áo. Không muốn dang dở việc học của con nên chị Chúc luôn cố gắng nhận thêm đồ may vào buổi đêm, dù còn nhiều bộn bề lo toan nhưng mong muốn của chị là đem lại niềm vui cho các con khi chào đón ngày khai giảng cùng chúng bạn.
Lo lắng khi bước vào năm học mới cũng là tâm trạng của gia đình anh Võ Văn Ðông, ở ấp Gò Công Ðông, xã Nguyễn Việt Khái. Gia đình anh thuộc diện khó khăn do nghề nghiệp không ổn định, thu nhập bấp bênh. Sang năm học mới, anh phải lo chi phí cho 1 đứa học lớp 2, 1 đứa học mẫu giáo. Chi phí tập vở thì không nhiều nhưng nỗi lo lớn là khoản tiền đò và thời gian đưa đón con đi học.
Gia đình anh Võ Văn Ðông có 3 đứa con, trong đó có 2 đứa đi học. Tựu trường sắp tới, anh không chỉ lo chi phí tập, sách mà còn nặng nỗi lo tiền đò cho các con đến trường.
Gia đình anh Ðông hiện đang thuê đất nuôi tôm gần rừng phòng hộ, đoạn đường đến trường bằng xe máy mất hơn chục cây số nên anh quyết định cho con đi học bằng đò. Tuy nhà chỉ cách trường khoảng 4 cây số nếu đi bằng đò nhưng chi phí tiền đò cho đứa học lớp 2 là 80 ngàn đồng/ngày, chưa kể chi phí ăn uống tại trường.
“Vì bám nghề biển mưu sinh nên gia đình phải ở cách xa vùng trung tâm, do vậy đường đi học của các con xa hơn. Con còn nhỏ mà phải đi học một mình bằng phương tiện thuỷ, thấy nguy hiểm nhưng vợ chồng tôi cũng đành bấm bụng. Còn 1 đứa học mẫu giáo thì vợ tôi phải đi theo coi chừng rồi rước về. Nhà đơn chiếc lại khó khăn nên mọi thứ tôi phải lo, gắng kiếm thêm thu nhập để cho con đi học”, anh Ðông bày tỏ.
Không chỉ riêng gia đình anh Ðông, chị Chúc, mà chi phí cho năm học mới là nỗi trăn trở chung của những gia đình khó khăn vùng sâu, vùng xa. Các khoản chi mua sách, vở, quần áo mỗi năm một tăng thực sự là gánh nặng đối với nhiều gia đình còn bấp bênh nguồn thu nhập.
Chính quyền địa phương luôn quan tâm đến những hộ có hoàn cảnh khó khăn như gia đình anh Đông để tạo thuận lợi cho các em được đến trường học tập.
Bà Phạm Thị Tám, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Khái, cho biết: “Xã có số hộ nghèo, cận nghèo nhiều nhất huyện. Do đó, theo rà soát hiện nay, trên địa bàn có khoảng 200 học sinh cần được hỗ trợ chi phí học tập trong năm học mới. Cuộc sống nhiều khó khăn vì nghề khai thác biển bấp bênh, không đất sản xuất nên chi phí học tập thật sự là gánh nặng cho những gia đình có con trong độ tuổi đi học".
Ðể làm giảm phần nào lo lắng của bà con, như thường lệ, thời điểm này, các ban, ngành, đoàn thể của xã Nguyễn Việt Khái phối hợp vận động nguồn xã hội hoá, trao tặng những phần quà ý nghĩa, từ cặp xách, sách vở, dụng cụ học tập, đến xe đạp, bảo hiểm y tế... cho những hoàn cảnh khó khăn, giúp các em an tâm đến trường./.
Theo HẰNG MY (Báo Cà Mau)