Huyện Cái Nước có tổng diện tích nuôi thuỷ sản trên 30.000 ha, trong đó có trên 3.000 ha nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm; tập trung phổ biến một số địa phương có điều kiện, như các xã: Trần Thới, Ðông Thới, Ðông Hưng, Tân Hưng, Tân Hưng Ðông và một phần thị trấn Cái Nước.
Ðây là mô hình đa con trên cùng diện tích cho hiệu quả kinh tế khá cao, bởi chủ yếu đầu tư con giống, không phải tốn kém chi phí thức ăn và hoá chất xử lý môi trường. Từ đó, mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm được bà con nông dân nhân rộng, diện tích thả nuôi năm sau tăng cao hơn năm trước.
Ðể giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư con giống, một số hợp tác xã sò huyết giống trên địa bàn huyện Cái Nước cung ứng sò huyết giống đã qua các giai đoạn ương dèo và thuần dưỡng có trọng lượng từ 1-2 ngàn con/kg, bà con nông dân có thể mua về thả nuôi trực tiếp trong vuông tôm. Ðồng thời còn cung ứng sò cám (sò giống có kích thước nhỏ bằng hạt cám) để bà con tự mang về ương dèo và thuần dưỡng, tiết kiệm vốn đầu tư con giống.
Lãnh đạo xã Tân Hưng Ðông nghiên cứu cách nuôi sò huyết tại hộ ông Huỳnh Văn Phục, ấp Trần Mót, xã Tân Hưng Ðông.
Ông Huỳnh Văn Phục, ấp Trần Mót, xã Tân Hưng Ðông, chia sẻ: "Năm 2022, gia đình tôi đầu tư 40 triệu đồng sò huyết giống loại 2 ngàn con/kg, với giá 150 đồng/con, thả nuôi trực tiếp trong vuông tôm. Sau hơn 10 tháng chăm sóc thì tiến hành tỉa thưa, lựa chọn sò huyết thương phẩm có trọng lượng 100 con/kg thu hoạch (bán với giá hơn 100 ngàn đồng/kg), thu nhập gần 40 triệu đồng. Sò huyết loại nhỏ tiếp tục chăm sóc, dự kiến cho thu hoạch khoảng 700 kg. Với giá sò huyết thương phẩm trên thị trường như hiện nay, mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm của gia đình ước cho thu nhập hơn 100 triệu đồng".
Ông Phục thu hoạch sò huyết thương phẩm và tự ươm sò huyết giống thả nuôi vụ mùa năm 2023.
Ðể tiết kiệm chi phí đầu tư sò huyết giống, năm nay ông Phục mua sò huyết cám về tự ương dèo và thuần dưỡng. Theo ông, nếu mua sò huyết giống về ương dèo và thuần dưỡng, ngoài tiết kiệm chi phí, còn mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi, như sò huyết giống sớm thích nghi với môi trường và độ mặn, tỷ lệ hao hụt thấp hơn so với sò từ nơi khác mang về thả nuôi.
Ông Nguyễn Văn Rở, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng Ðông, cho biết: "Chính quyền địa phương tuyên truyền bà con những nơi có điều kiện nên nhân rộng mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm, nhằm đa dạng đối tượng nuôi thuỷ sản trên cùng diện tích, tăng thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế gia đình. Ðồng thời, sẽ phối hợp với Phòng NN&PTNT tổ chức hội thảo mô hình nông dân ương dèo và thuần dưỡng sò huyết giống tại hộ gia đình. Qua đó, giúp nông dân trên địa bàn có thêm kiến thức, kinh nghiệm ương dèo và thuần dưỡng sò huyết giống thả nuôi trong vuông tôm, tiết kiệm chi phí đầu tư con giống"./.
Theo HUỲNH VIỆT (Báo Cà Mau)