Cà Mau thu hút 1,4 triệu lượt khách du lịch

03/12/2018 - 13:56

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, địa phương này đã đón 1,4 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 2.200 tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch đề ra.

Cà Mau có tiềm năng rất lớn để phát triển thế mạnh du lịch sinh thái sông nước. (Ảnh: K.V)

Để có được kết quả trên, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã có những giải pháp tạo ra những điểm nhấn cho ngành du lịch. Theo đó, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Cà Mau đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và phát triển đa dạng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, liên kết với một số tỉnh, thành phố trong khu vực mở nhiều tour du lịch để thu hút ngày càng nhiều du khách đến với địa phương.

Với vị trí địa lý đặc biệt, Cà Mau có ba mặt giáp biển. Phía Bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Đông - Đông Nam giáp biển Đông và phía Tây giáp Vịnh Thái Lan. Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên đất liền của tỉnh có thể ngắm được mặt trời mọc và mặt trời lặn. Ngoài ra, Cà Mau còn có tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái, với trên 100.000 ha rừng tràm, rừng đước ngập nước đặc trưng đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau với diện tích khoảng 42.000 ha và Vườn quốc gia U Minh Hạ có diện tích trên 8.200 ha đang được quy hoạch, kêu gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch, nhất là phát triển du lịch sinh thái xứng tầm trong tương lai không xa.

Ngoài ra, Cà Mau còn có các điểm du lịch nổi tiếng: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công viên Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau, Khu du lịch Khai Long, Khu du lịch Hòn Đá Bạc, Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm, Đầm Thị Tường, các vườn chim tự nhiên, điểm du lịch cộng đồng tại Khu vực Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, khu vực các huyện U Minh, Trần Văn Thời...

Những năm gần đây, tỉnh Cà Mau đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản thông suốt, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ đến các điểm du lịch chính như: Đất Mũi, Khai Long, Hòn Đá Bạc, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Cùng với việc đầu tư xây dựng hoàn thành tuyến đường Hồ Chí Minh về đến Đất Mũi và tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam đã góp phần quan trọng cho việc phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh, quốc tế.

Trong vài năm gần đây, thị trường khách quốc tế bắt đầu quan tâm đến Cà Mau thông qua hai đường tiếp cận là khách đến Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang qua Cà Mau và khách quốc tế đến TP.Cần Thơ rồi tới Cà Mau bằng các tour tham quan du lịch Đồng bằng sông Cửu Long. Thống kê của ngành Du lịch Cà Mau qua các năm cho thấy, lượng khách du lịch đến Cà Mau năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2017, tỉnh đón trên 1,2 triệu lượt khách, tăng 61,29% so với năm 2010 (trung bình mỗi năm tăng 7,67%). Doanh thu du lịch năm 2017 tăng gấp 3,5 lần so với năm 2010, đặc biệt giai đoạn 2015-2017 doanh thu tăng cao.

Do vậy, tỉnh Cà Mau định hướng tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch theo hướng bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Hướng đi đúng đắn này sẽ góp phần thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo tiền đề để các ngành nghề khác phát triển.

Tỉnh cũng chú trọng xây dựng một số chính sách ưu đãi đầu tư đối với những địa bàn khó khăn về điều kiện hạ tầng nhưng có tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm du lịch, phát triển du lịch: Cộng đồng, biển đảo, nông nghiệp và làng nghề truyền thống. Ngoài ra, thực hiện quy hoạch bố trí dân cư, phát triển ngành nghề phù hợp trên các tuyến du lịch; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch biển đảo, du lịch nông nghiệp, làng nghề truyền thống...

Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, để làm tốt điều này, các cấp, ngành, doanh nghiệp, người dân cũng phải thường xuyên hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sâu rộng các danh lam, thắng cảnh, văn hóa, ẩm thực, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh đến du khách trong và ngoài nước; có thái độ ứng xử hài hòa đậm chất văn hóa để tạo dựng hình ảnh đẹp trong lòng du khách mỗi khi đến Cà Mau. Ngành Du lịch Cà Mau chủ động nghiên cứu phát triển các mô hình liên kết du lịch, tổ chức tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng mang đậm tính trải nghiệm, đa dạng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau cũng đã ký ban hành Kế hoạch phát triển du lịch dài hạn, theo đó phấn đấu đến năm 2030 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương này. Theo đó, Cà Mau tích cực chủ động triển khai dự án lớn về hạ tầng du lịch, tạo động lực cho ngành kinh tế, đến năm 2020 đón 1,7 triệu lượt khách du lịch; trong đó, 50.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu khoảng 2.600 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 26.000 người trong lĩnh vực du lịch. Ngoài ra, Cà Mau còn đầu tư phát triển 5.800 buồng khách sạn đáp ứng nhu cầu khách du lịch.

Đến năm 2030, Cà Mau bảo đảm du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn làm động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, theo đó sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sơ vật chất kỹ thuật đồng bộ; phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, sức cạnh tranh cao. Giai đoạn 2020 – 2030 phấn đấu đón khoảng 2,6 triệt lượt khách; trong đó, 110.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu đạt khoảng 7.200 tỷ đồng, tạo việc làm cho 53.000 lao động trong lĩnh vực du lịch.

Theo Đảng Cộng Sản Việt Nam