Cà Mau: Trên 5.000 hộ gia đình và cá nhân được giao đất, giao rừng

19/03/2021 - 09:32

Ngày 18-3, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Hà Công Tuấn làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau về công tác sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp và công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, trên địa bàn có diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 164.000ha. Trong đó, diện tích có rừng trên 96.000ha với 3 hệ sinh thái (đất rừng ngập phèn U Minh Hạ, đất rừng ngập mặn và đất rừng trên đảo); có 33 tổ chức tham gia quản lý và trên 5.000 hộ gia đình, cá nhân được giao đất, giao rừng theo Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp. Hiện tỉnh Cà Mau có 2 công ty lâm nghiệp thuộc diện phải sắp xếp theo quy định. Tổng diện tích sử dụng đất tại thời điểm sắp xếp trên 44.000ha (diện tích có rừng gần 27.000ha). Năm 2020, công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng được thực hiện chặt chẽ. Tình hình vi phạm về bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp giảm 61 vụ (tương đương 38%) so với cùng kỳ. Công tác phát triển rừng đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Tại cuộc họp, UBND tỉnh Cà Mau đề xuất Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể điều chỉnh sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty lâm nghiệp để địa phương triển khai thực hiện; xem xét hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương cho tỉnh Cà Mau thực hiện dự án đầu tư nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021-2025; việc bố trí đất ở tại chỗ cho các hộ nhận khoán đất rừng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đánh giá cao công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là phòng chống cháy rừng của tỉnh Cà Mau trong thời gian qua. Tỉnh cần tiếp tục làm tốt các công tác này trong mùa khô năm nay. Đối với phương án sắp xếp 2 công ty lâm nghiệp, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị UBND tỉnh Cà Mau cần làm nhanh, để trong tháng 3-2021 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong phương án phải xác định quy mô vốn, điều lệ và tỷ lệ vốn nhà nước không thấp hơn 51%; các nhà đầu tư tham gia vào công ty phải cam kết gắn với chuỗi chế biến theo công nghệ tiên tiến, xây dựng nhà máy quy mô theo vùng nguyên liệu; phải có kế hoạch ổn định đời sống, sinh kế của người dân nhận khoán đất rừng trong khu vực, bằng cách đưa dân vào sống theo cụm, tuyến dân cư có đất canh tác, sản xuất…

Theo TẤN THÁI (Sài Gòn Giải Phóng)