Cà Mau: Trồng dừa trên vùng đất nuôi tôm

11/09/2023 - 09:21

Với mong muốn cải tạo vườn tạp để tăng nguồn nhập, ông Lê Quang Dễ ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, thử nghiệm trồng giống dừa lùn Bến Tre trên vùng đất nuôi tôm. Ðến nay, mỗi năm cây dừa giúp gia đình ông Dễ có thu nhập hơn 200 triệu đồng và mở ra hướng đi mới trong làm kinh tế ở địa phương.

Ông Dễ tiên phong trong trồng dừa và có thu nhập khá cao trên vùng đất nuôi tôm.

Vườn dừa của gia đình ông Lê Quang Dễ (Năm Dễ, ở ấp Ông Tự) đang là mô hình điểm tham quan học hỏi của nông dân trong vùng. Vùng đất chuyên nuôi tôm này không phải không trồng được dừa nhưng do đất nhiễm mặn, năng suất không cao nên người dân thường chỉ trồng vài cây dừa bản địa để lấy nước uống. Cũng chính vì vậy mà vườn dừa lùn hơn 500 gốc sai trái của gia đình ông Dễ đã tạo sự chú ý cho nhiều người.

Ông Dễ kể, 5 năm trước, khi đó ông đã gần 70 tuổi nhưng ông vẫn muốn tìm mô hình đơn giản, phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Khi biết giống dừa lùn Bến Tre dễ trồng, ít công chăm sóc, ông liền đến tận nơi tìm hiểu. Sau đó, ông về thuê cơ giới cải tạo lại khu vườn tạp quanh nhà và một phần vuông tôm trồng dừa.

“Vườn của gia đình tôi rộng nhưng không có loại cây nào cho kinh tế ổn định nên mới tìm hiểu để trồng dừa. Do vùng này đã chuyển sang nuôi tôm, đất nhiễm mặn nặng, tôi phải thuê xáng lên liếp cao, rồi be bờ kỹ để giữ nước ngọt, từ từ rửa bớt mặn. Khi đã tham quan, học hỏi, tôi sang tận Bến Tre mua cây dừa giống cùng với trái dừa khô về ươm lấy giống chứ không mua dừa trôi nổi để trồng” - ông Năm Dễ chia sẻ.

Nếu các giống dừa truyền thống ở địa phương trồng khoảng 5 năm cho trái thì giống dừa lùn mà ông Dễ mang về trồng chỉ khoảng 2,5 năm đã có thu hoạch. Ðặc biệt, giống dừa này phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương nên phát triển rất tốt. Năm nay là năm thứ 2 vườn dừa của ông Dễ cho thu hoạch, mỗi tháng mang về cho gia đình ông khoảng 20 triệu đồng từ bán dừa tươi. Ông Dễ còn tự gây giống dừa mang ra trồng trên bờ vuông tôm lấy củ hủ bán tăng thu nhập.

“Sau vườn dừa là khu vực vuông tôm, sẵn có dừa giống, tôi mang ra bờ vuông trồng. Do xung quanh toàn nước mặn, đất cũng nhiễm mặn nặng nên cây dừa không thể đạt năng suất như kỳ vọng, do đó tôi trồng chủ yếu để lấy củ hủ. Nếu lấy củ hủ thì trồng dày, mỗi cây chỉ cách nhau khoảng 2m. Mỗi năm tôi trồng xen thêm 1 cây vào giữa 2 cây ban đầu để khi lấy củ hủ cây lớn thì cây kia tiếp tục phát lên, có thu hoạch. Hiện mỗi củ hủ dừa có giá từ 120.000-250.000 đồng, nhờ đó cũng có thêm nguồn thu” - ông Năm Dễ nói.

Mô hình trồng dừa ta lùn Bến Tre của ông Dễ đang giúp gia đình có nguồn thu hơn 200 triệu đồng/năm. Do dừa dễ trồng, ít công chăm sóc nên nhiều nông dân địa phương đã đến tham quan, học hỏi làm theo. Do đó, ngoài nguồn thu từ bán dừa tươi, ông Dễ còn cung cấp dừa giống khi bà con có nhu cầu.

Ông Nguyễn Minh Dững, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lợi An, cho biết: “Trước đây, khi chưa chuyển qua nuôi tôm, dừa là một trong những cây trồng phổ biến ở địa phương. Nhưng hiện nay, do đất nhiễm mặn, giống dừa truyền thống bị thoái hóa, năng suất kém nên bà con ít trồng. Tuy nhiên, mô hình trồng dừa của chú Dễ đã chứng minh được hiệu quả do tận dụng đất vườn tạp của gia đình. Thực tế cho thấy đây là mô hình phù hợp, dễ nhân rộng ở địa phương. Chúng tôi tiếp tục vận động bà con cải tạo vườn tạp, có thể trồng cây dừa để tăng thu nhập”.

Theo HIẾU NGHĨA (Báo Cần Thơ)