Cà Mau: Trưởng ấp “bao đồng”

24/03/2023 - 14:04

Những hàng rào bông trang nối dài, uốn lượn theo con lộ, trổ hoa đỏ rực. Những bờ kè cây mắm ven sông xanh miên man chạy dài tít tắp, vươn mình chở che, bảo bọc con đường làng. Nhà cửa người dân khang trang, trước mỗi ngôi nhà đều có trụ đèn đường chiếu sáng. Đặc biệt, trên tuyến còn có đoạn dài cây rưỡi số vừa đoạt giải A toàn tỉnh trong cuộc thi tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát động, với mọi thứ chỉn chu, nổi bật. Đi trên con đường dọc kênh Cái Sắn, ấp Phước Hoà (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) cảm nhận làng quê thật tươi vui, bừng sáng. Ở nơi cách trung tâm tỉnh lỵ gần 40 cây số này, tuy có “xa xôi” nhưng không hề “hẻo lánh”.

A A

Nguyễn Thu Phương, công chức văn hoá - xã hội của xã, đảng uỷ viên, phụ trách ấp Phước Hoà (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) người đưa chúng tôi đi tham quan ấp, bảo: “Ðược như vầy, công của ông Nguyễn Hoàng Dữ, Trưởng ấp lớn lắm”.

Nhà trưởng ấp Phước Hoà nằm trên tuyến đường đoạt giải. Khi chúng tôi đến, ông đi vắng. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Mum, niềm nở đón khách. Bà nói như hờn mát: “Ổng đi việc làng việc ấp tối ngày”.

Phương quay sang nói với tôi: “Bà giỏi lắm, đảm đang, chu toàn mọi việc, là hậu phương vững chắc của chồng”.

Ðang trò chuyện thì trưởng ấp chạy xe về tới. Ông phân bua: “Ðáng lẽ về sớm hơn, nhưng dọc đường có mấy hộ ngoắc lại thắc mắc một số chuyện, mình phải giải thích”.

Ðó là người đàn ông tuổi độ 60, dáng người cao to, nhanh nhẹn và khá chân chất, thân thiện trong giao tiếp. Nghe ông tâm sự về chuyện “làm trưởng ấp” với biết bao việc lớn, việc nhỏ, có tên, không tên mà cảm kích, nể phục tấm lòng và nhiệt huyết của ông với làng xóm, quê hương.

Ấn tượng nhất với tôi là ở cách ông làm. Dù việc lớn việc nhỏ gì, ông đều tính toán phương án thực hiện sao thiết thực, hiệu quả, thuận tiện nhất cho người dân.

Tận tâm lo cho dân, ông Nguyễn Hoàng Dữ, Trưởng ấp Phước Hoà được bà con yêu thương, tín nhiệm.

Ðơn cử như việc làm bờ kè chống sạt lở lúc ông mới đảm nhận công việc trưởng ấp, vào năm 2017. Khi ấy, xã có lưu ý các ấp quan tâm ngăn chặn tình trạng sạt lở ven sông. Thấy các tuyến kênh rạch trên địa bàn sạt lở cũng nhiều, nên ông tính chuyện vận động bà con làm bờ kè. Cách làm là dùng tre cặm bên ngoài, tiếp theo là căng lưới mành, rồi cao su, sau đó đổ đất vào và trồng mắm.

Tuy vậy, dân trong ấp đa số là hộ cố cựu, đất mặt tiền lớn, làm bờ kè tính ra rất tốn kém; trong khi dù đa phần bà con có cuộc sống ổn định từ trồng lúa, nuôi tôm, nhưng đồng tiền còn phải đầu tư sản xuất, bỏ ra số tiền lớn cùng lúc là rất khó. Vậy là ông nghĩ đến phương án xin nạo vét các con kênh thuỷ lợi để vừa lấy nước phục vụ sản xuất, vừa lấy đất làm bờ kè cho bà con, đỡ phần chi phí mướn xáng múc (vì các tuyến kênh cũng đã nhiều năm chưa nạo vét). Rồi ông bàn với vợ, mượn tiền nhà trả trước một ít cho các ghe tre để bảo lãnh cho bà con mua thiếu, tới mùa gom trả lại. Như vậy bà con chỉ bỏ tiền mặt mua cao su và lưới mành. Khi mọi việc được tính toán cơ bản, ông trình bày với xã và được đồng ý, vậy là về họp dân.

“Bà con đồng tình lắm, vì vừa có quyền lợi của họ, vừa làm đẹp xóm làng, mà chi phí cũng không bỏ ra cùng lúc nên có thể kham nổi”, ông hào hứng kể.

Bắt đầu thực hiện từ năm 2017, đến nay, qua nhiều mùa trồng rồi giặm, bờ kè cây mắm của ấp đã gần hoàn thiện. “Ấp tổng số 217 hộ, tính vòng vòng khoảng mười mấy cây số ven sông, đã có 195 hộ làm bờ kè, những nơi nguy cơ sạt lở cao đã cơ bản kè xong hết”, ông phấn khởi cho biết.

Hay tháng 3/2022, khi đăng ký tham gia tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, các tiêu chí xanh - sạch - đẹp thì trên nền có sẵn, chỉ cần vận động bà con chỉnh trang, o bế thêm là đạt; cái khó là tiêu chí “sáng”, phải làm đèn đường. Tham khảo cách làm, cuối cùng ông chọn phương án kéo điện từ nhà dân ra, mỗi tháng các hộ trả thêm khoảng 20 ngàn đồng tiền điện. Vậy rồi ông đi tới nơi bán sắt, bóng đèn, dây điện hỏi giá, đồng thời gặp thợ điện, thợ hàn biểu tính thử tiền công. Khi cộng lại mỗi hộ bỏ ra trên dưới 400 ngàn đồng, thấy có thể thực hiện được, ông lại về bàn với vợ mượn tiền nhà mua vật liệu trước, khi làm xong rồi thu lại của bà con sau. Như vậy sẽ vừa nhanh, vừa đồng bộ và đẹp. Rồi ông họp dân nêu phương án.

“Tuyến đường đăng ký dự thi chỉ cây rưỡi số, nhưng chúng tôi đã vận động gắn đèn tất cả 142 hộ trên toàn tuyến và bà con đều đồng tình, ký biên bản. Giờ ban đêm cả tuyến dài gần 7 cây số, đèn đường sáng trưng hết, thấy vui lắm”, ông phấn khởi chia sẻ.

Hình ảnh ông cùng Bí thư Chi bộ và Công an ấp kéo thùng chở trụ đèn, dây điện… đi tới từng nhà lắp đặt cho bà con, tôi được nghe họ nhắc lại bằng tình cảm thân thương, trìu mến.

Không chỉ cách làm, ông còn giỏi vận động. “Nói chung, làm gì thì mình cũng phải chú ý khâu vận động, khi bà con thấy được ý nghĩa của việc làm thì họ sẽ đồng tình”, ông đúc kết.

Chẳng hạn, khi đi thu quỹ đền ơn đáp nghĩa, ông bảo: “Hồi đó đi làm cách mạng có lương bổng gì, lại gian khổ, hy sinh mà người ta vẫn đi. Nhờ vậy giờ mới có cuộc sống thanh bình, không còn cảnh bom rơi đạn lạc, chết chóc. Vài trăm ngàn đóng góp để chăm lo cho người có công, để đền ơn đáp nghĩa là việc nên làm”. Tương tự, các việc khác ông đều chọn lựa lời lẽ thuyết phục bà con sao cho hợp tình, hợp lý.

Hết lòng vì dân, làm việc có phương pháp, công tâm, minh bạch nên ông rất được bà con tín nhiệm. Cũng chính vì vậy mà gần như việc gì khi ông vận động, bà con rất đồng thuận.

“Chuyện hàng rào thì trước đó bà con đã có trồng với đủ loại cây. Sau này mình thấy bông trang đẹp và vận động, vậy là bà con đồng loạt thực hiện. Mà cũng phải bỏ công chăm chút nhiều năm lắm mới được vậy”, ông bày tỏ. 

Những hàng rào bông trang trổ hoa đỏ rực nối dài theo các tuyến lộ, tạo điểm nhấn cho ấp Phước Hoà.

Một vấn đề ông cũng hết sức lưu tâm là cố gắng truyền tải được những chủ trương, chính sách đến với người dân, để qua đó bà con vừa nắm bắt được, thực hiện tốt nghĩa vụ, cũng như không bị thiệt thòi về quyền lợi. Thường khi có văn bản gì từ trên, ông cho họp tổ và đích thân ông dự để triển khai. Nếu hộ nào vắng, thì sau đó ông điện nói lại với bà con. Ðiều này với ông không khó, bởi hơn 200 hộ dân trong ấp ông đều có lưu số điện thoại.

Ông tâm tình: “Thật ra mình làm vì bà con, chứ nói làm để hưởng thù lao thì không làm được, bởi tháng có triệu mấy chỉ đủ tiền đổ xăng. Có người nói, mình bỏ tiền trước làm chuyện này nọ, chắc sau đó thu lại có hưởng chênh lệch. Hoàn toàn không có một đồng, mọi thứ đều phải công khai, minh bạch. Bà con ở đây biết hết”.

Bận rộn việc ấp, nhưng ông cũng rất quan tâm cùng vợ chăm lo phát triển kinh tế, vì vậy mà mỗi năm gia đình đều có thu nhập vài trăm triệu đồng từ 3 ha đất trồng lúa và nuôi tôm; con cái đều có cuộc sống ổn định.

Anh Nguyễn Thanh Miền, người thanh niên tài hoa sáng tạo bộ salon bằng bông trang nổi tiếng trên báo chí, mạng xã hội những ngày qua (là hộ dân trong ấp) và anh Huỳnh Hữu Nguyên (hàng xóm), đều thừa nhận ông là người uy tín với dân, giỏi cả việc ấp lẫn việc nhà.

Hơn 6 năm làm cán bộ ấp, ông đã cùng chi bộ, đoàn thể đưa bộ mặt nông thôn ấp Phước Hoà ngày càng khởi sắc. Hiện ấp chỉ còn một hộ cận nghèo, các tiêu chí khác đều thực hiện khá tốt. Tuy vậy, ông bảo, vẫn còn biết bao nhiêu công việc của ấp phải làm.

Ông Trần Trường Giang, Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Ðông, cũng đánh giá: “Ông là một trong những trưởng ấp gương mẫu, đi đầu trong xã”.

Trước khi ra về, tôi nghe ông bàn với anh Miền và anh Nguyên: Tháng 8 tới, ông chịu trách nhiệm đổ xăng, anh Miền và Nguyên sẽ chở máy đi cắt tỉa hàng rào bông trang miễn phí cho bà con, rồi hướng dẫn họ mua thuốc kích thích về tưới để hoa đồng loạt nở vào dịp Tết. Nói rồi, họ cùng nhau ngoéo tay, trên gương mặt rạng rỡ nụ cười./.

Theo Báo Cà Mau