Ông Hữu Sung, Tổ trưởng Tổ hợp tác, cho biết: “Các thành viên trong tổ đều là đồng bào dân tộc, nhà liền kề và có thâm niên trong việc nuôi tôm. Mục đích thành lập tổ là hỗ trợ, góp vốn cùng nhau sản xuất”.
Trước đây, ông Hữu Sung nuôi tôm quảng canh cải tiến trên diện tích 2 ha, mặc dù mang lại nguồn lợi kinh tế cao khi “trúng” nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, vốn đầu tư lại cao. Năm 2021, ông mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm 2 giai đoạn. Tính riêng vụ rồi, chỉ cần bỏ ra 15 triệu đồng, sau khi thu hoạch đạt năng suất 450-500 kg, ước tính khoảng 150 triệu đồng.
Với 2 ha nuôi tôm 2 giai đoạn, năm vừa rồi ông Hữu Sung thu nhập khoảng 150 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm canh tác, ông Sung phấn khởi: “Nuôi tôm quan trọng nhất vẫn là nguồn giống, phải chọn nơi uy tín, chất lượng. Ngoài ra, sau thời gian dài nuôi, lựa thời điểm nắng hạn (tháng 2, 3 âm lịch) tiến hành cải tạo đất. Mỗi năm tôi làm 2 vụ, chia đều 3 lần thả. Mật độ thả thưa, cứ tầm 15 ngày tạt men vi sinh để tăng sức đề kháng cho vật nuôi cũng như tạo nguồn thức ăn dồi dào”.
Hoạt động hiệu quả, tháng 3/2022, tổ hợp tác được hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương.
Là thành viên tổ hợp tác từ năm 2015, ông Hữu Ðiền hiện đang canh tác hơn 1,5 ha, trong đó dành riêng ra 2 công để làm ao dèo tôm. Ông Hữu Ðiền chia sẻ: “Mỗi năm tôi thả 3 vụ tôm, tương đương từ 4.000-5.000 con giống. Vừa rồi được hỗ trợ 28 triệu đồng, tôi dành để mua giống và cải tạo đất. Khi chuyển sang nuôi tôm 2 giai đoạn, chi phí đầu tư ban đầu giảm rất nhiều (từ 50%) so với trước đây, quan trọng nhất là đi chậm mà chắc, hiệu quả bền vững”.
Trước đây, tập quán canh tác của nông dân là mạnh ai nấy làm, chưa đồng loạt và còn nhỏ lẻ, manh mún. Sau khi tham gia tổ hợp tác, các hộ có sự liên kết, luôn hỗ trợ nhau về mọi mặt. Bên cạnh đó, do thả đồng loạt số lượng tương đối nên chi phí mua con giống cũng thấp hơn so với mua riêng lẻ; về lâu dài còn được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất. Việc thả cùng thời điểm cũng giúp các thành viên thu hoạch cùng lúc, nâng cao giá trị kinh tế vật nuôi.
Ban đầu khi thành lập, tổ có 3 thành viên thuộc diện khó khăn. Bằng sự tương trợ, đến nay các hộ trở nên khấm khá, đồng vốn ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Trương Thanh Nghị, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Hồ Thị Kỷ, cho biết: “Thu nhập của thành viên tương đối khá, trung bình 1 ha sẽ thu từ 40-50 triệu đồng/năm. Nuôi tôm 2 giai đoạn khá nhàn, thời gian rảnh các hộ còn tận dụng để làm thêm nhiều nghề như thợ hồ, thợ mộc, thợ sơn… để tăng nguồn lợi cho gia đình, nuôi dạy con cái”./.
Theo Báo Cà Mau