Vào con nước ròng, nhiều gia đình ở Ông Ðơn, ấp Phú Quý, xã Thanh Tùng và xã Nguyễn Huân (huyện Ðầm Dơi), xã Tam Giang (huyện Năm Căn)... dùng vỏ lãi composite men theo ven sông rạch bắt chem chép.
Chị Nguyễn Thị Bé (ấp Phú Quý) cho biết: “Con chem chép xứ nước mặn có quanh năm, nhất là ở bãi bồi ven sông rạch, trên biền rừng ngập mặn... nhiều vô số kể. Có nơi chúng ở đầy bãi, con nào con nấy mập mạp, bắt đã tay. Mỗi cặp vợ chồng bắt giỏi, một ngày được tầm 20 kg, giá từ 60-80 ngàn đồng/kg nên cũng kiếm gần bạc triệu”.
Khác biệt với hang còng, hang ba khía, hang chem chép xứ rừng ngập mặn có hình dạng giống như số 8, không lẫn vào đâu được.
Vợ chồng anh Phạm Tự Em và chị Nguyễn Thuỳ Nguyên, vựa thu mua chem chép ở kênh Ông Ðơn, mỗi ngày thu mua vài trăm ký. Chị Nguyên từng có hơn 20 năm sống bằng nghề bắt chem chép, ốc len, vọp rừng nên chị biết rất rõ khu vực nào có nhiều chem chép sinh sản cũng như cách nhận dạng hang của nó. “Trên bề mặt hang chem chép có đất đùn nhô lên hình dạng giống như số 8, chỉ cần đào xuống gần 2 tấc, dùng cần móc móc chúng lên”, chị Nguyên bật mí.
Chị Nguyễn Thị Bé (trái) vào rừng bắt chem chép, mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng.
Bà con “Xóm chem chép” ấp Phú Quý (xã Thanh Tùng) phân cỡ chem chép trước khi bán cho thương lái.
Chem chép chế biến được nhiều món ngon như: luộc sả, xào lá quế, nướng mỡ hành… rất bổ dưỡng.
Chem chép là loài nhuyễn thể 2 mảnh giống như con nghêu, bụng to, thân hình hạt xoài. Thịt chem chép giàu các vitamin, khoáng chất nên chế biến được nhiều món ngon như: luộc sả, xào lá quế, nướng mỡ hành...
Theo HUỲNH LÂM (Báo Cà Mau)