Cà phê "cổ" ở Tây đô

24/08/2020 - 14:13

Lý giải về cái tên có vẻ hoài cổ ẩn chứa rất nhiều điều bí ẩn, anh Phạm Văn Hai (35 tuổi)- chủ quán cà phê “Cổ Ngoạn” tọa lạc trên đường Xuân Hồng (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy- TP Cần Thơ) nói: “Cổ là xưa, Ngoạn là thưởng ngoạn. Đến đây thực khách ngoài việc thưởng thức cà phê nguyên chất 100%, còn có dịp thưởng ngoạn, chụp ảnh lưu niệm cùng hàng ngàn món cổ vật độc, lạ, quý hiếm”.

Anh Phạm Văn Hai với chiếc cúp gỗ sản xuất năm 1995.

Niềm đam mê sưu tầm cổ vật

Tuy xuất thân từ một chàng cử nhân Khoa Xã hội- Nhân văn tại một trường ĐH tại Hồ Chí Minh thế nhưng anh Hai đã đột ngột chuyển sang lĩnh vực kinh doanh mặt hàng xi măng. Thế nhưng niềm đam mê sưu tầm đồ cổ quý hiếm luôn thôi thúc anh giành nhiều thời gian cho công việc này.

Anh Hai kể: “Mua bán là môi trường giúp tôi giao lưu, tìm hiểu, thăm dò rất nhiều cổ vật và các mặt hàng quý hiếm. Hiện nay, tôi đang sở hữu trên 5.000 hiện vật, chủ lực được cấu tạo bằng chất liệu đồng, gốm sứ.

Ngoài ra, tôi còn có trong tay nhiều hiện vật xưa như: các loại cân, đồng hồ, máy thu thanh, truyền hình, các cúp thể thao bằng sành, gỗ…. Nhiều cổ vật có trên 500 tuổi đời, nhiều người đã đến ngã giá hàng chục thậm chí cả trăm triệu nhưng tôi đều từ chối”.

Để có được “gia sản cổ vật” như vừa nêu, anh Phạm Văn Hai đã thông qua rất nhiều kênh thông tin khác nhau trong và ngoài nước; qua sự giới thiệu của bạn bè cùng niềm đam mê; qua các tổ chức mua bán cổ vật cùng các nguồn tin khác.

Nghe đâu có mặt hàng độc, lạ là anh tìm đến ngay để “mục sở thị” món hàng mới, khi đã ưng ý mới tiến hành thẩm định nguồn gốc, xác định niên đại, giá trị lịch sử, nghệ thuật, điêu khắc rồi tiến hành mua bán. Cuộc hành trình đi tìm cổ vật đã diễn ra từ năm 2015 đến nay.

Cũng theo anh Hai, khó khăn lớn nhất là việc xác định giá trị thật hay giả của cổ vật bởi hiện nay bọn bất lương đã sử dụng rất nhiều chiêu thức tinh vi để lừa bán những món gọi là “cổ vật” nhưng thực chất là hàng giả được chế tác giống như thật 100%. Bản thân anh cũng đã là nạn nhân của một vài vụ lừa đảo ngoạn mục.

Độc đáo cà phê Cổ Ngoạn

Cuối tháng 7-2020, người dân đất Tây Đô đã vô cùng thích thú trước sự ra đời của một quán cà phê rất “cổ” và rất “lạ” mang tên Cổ Ngoạn.

Nằm ở vị trí an bình, yên ả chỉ cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 10 phút đi xe máy, nơi đây đã là nơi thu hút rất nhiều người đến tham quan, thưởng lãm, đặc biệt là các bạn trẻ yêu nghệ thuật nhiếp ảnh, điêu khắc, điện ảnh.

Em Võ Nguyễn Thùy Dung- sinh viên ĐH Nam Cần Thơ thích thú nói: “Tuy mới đến đây lần đầu tiên, em và các bạn rất thích thú trước lối bố trí rất nho nhã, thanh lịch của quán.

Cạnh đó, chúng em tha hồ khám phá hàng ngàn cổ vật quý hiếm với sự thuyết minh rất bài bản, chính xác về niên đại, quốc gia, giá trị nghệ thuật, lịch sử của từng hiện vật của chủ quán”.

Một số “cổ vật” trưng bày trong quán Cổ Ngoạn.

Hướng dẫn chúng tôi tham quan cơ ngơi khá “đặc biệt” của mình, anh Phạm Văn Hai giới thiệu chiếc cúp bóng đá bằng gỗ nguyên khối sản xuất năm 1995; chiếc cúp đặc biệt khác bằng gốm sản xuất năm 1980 tại TP Hồ Chí Minh; những bộ đĩa gốm thủy đậu có trên 500 năm tuổi; những chiếc radio, truyền hình đen trắng sản xuất những năm 1950…

Anh Hai còn kể thêm: Mỗi tháng một lần, anh và những người cùng sở thích đều tổ chức gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu những hiện vật mới phát hiện và cùng rút kinh nghiệm, có khi là những cuộc mua bán trong nội bộ lẫn nhau hay thông báo những “cổ vật” đang rao bán trên mạng xã hội có “vấn đề” để mọi người cùng cảnh giác.

Riêng việc mở quán cà phê là muốn giới thiệu đến mọi người những cổ vật quý hiếm để cùng chiêm ngưỡng không đặt nặng vấn đề lãi, lỗ khi kinh doanh cà phê Cổ Ngoạn.

Nhiều người đã can ngăn ý tưởng lạ lùng này nhưng anh vẫn quyết tâm thực hiện ý định của mình với suy nghĩ: Thưởng thức nét đẹp, sự quý hiếm của cổ vật một mình là ích kỷ và rất cô đơn.

Hiện nay, anh Hai vẫn đang nuôi ý định tiếp tục sưu tầm, mua bán, trao đổi tất cả những hiện vật quý hiếm và rất mong muốn sự chia sẻ, hợp tác của cộng đồng.

Theo TÔ PHỤC HƯNG (Báo Vĩnh Long)