Các loại khô: Đây là một nguyên liệu quen với người dân miền Tây và Nam Bộ. Vào dịp Tết, một số loại khô như khô cá lóc, tôm khô được rất nhiều tìm mua để chuẩn bị cho bữa ăn ngày Tết.
Món đặc sản miền Tây này đều có thể làm được rất nhiều món ngon như gỏi, nấu canh, kho hay là nguyên liệu gia giảm để nấu nhiều món ăn ngày Tết.
Bánh tét Trà Cuôn: Nếu Tết miền Bắc có bánh chưng thì Tết miền Trung, miền Nam không thể không có đòn bánh tét. Thế nhưng, bánh Tét Trà Cuôn ở Trà Vinh là đặc sản được rất nhiều săn đón trong ngày Tết.
Bánh tét Trà Cuôn làm cẩn thận, đòi hỏi nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ. Nếp sáp được vo 6 - 7 lần rồi để ráo nước, trộn với nước rau ngót để tạo màu xanh tự nhiên và mùi thơm đặc trưng. Nhân bánh được làm từ thịt nạc, thịt mỡ, đậu xanh loại ngon và lòng đỏ trứng vịt muối, tạo hương vị độc đáo, khó quên.
Mứt dừa Bến Tre: Tết không có mứt đâu còn gọi là Tết, mỗi vùng lại có những loại mứt khác nhau nhưng mứt dừa lại được ưa chuộng ở cả 3 miền. Nói đến mứt dừa ngon, nhiều người hay nghĩ đến mứt dừa ở xứ dừa Bến Tre.
Mứt dừa Bến Tre được lòng nhiều người bởi hương vị thơm ngon, màu sắc đẹp. Trong đó loại mứt dừa non với độ dẻo, ngọt hài hòa được rất nhiều người ưa chuộng.
Nem Lai Vung - Đồng Tháp: Nem Lai Vung là đặc sản trứ danh của Đồng Tháp, có màu sắc đỏ hồng, được nhiều người ưa chuộng dịp Tết. Món này rất hợp để ăn chơi, lai rai vì vị chua ngọt cay ngon miệng.
Cách chế biến nem Lai Vung khá công phu, tùy bí quyết của từng gia đình. Thịt nạc lọc hết gân, mỡ, xắt mỏng cho vào cối, thêm đường, muối vừa đủ và xay nhuyễn. Xay xong cho da heo (bì), thính vào trộn, không quên rắc vài hạt tiêu và miếng tỏi xắt mỏng. Cuối cùng nem được gói vào lá chùm ruột hay lá vông non, bên ngoài bọc một lớp lá chuối.
Lạp xưởng: Đây có lẽ chính là món ngon miền Tây có độ “phủ sóng” rộng rãi nhất tại nước ta trong dịp đầu năm. Vì không riêng gì miền Tây, lạp xưởng được rất nhiều người dân mua về để ăn, làm mâm cỗ cúng hay chiêu đãi khách đến nhà trong dịp Tết Nguyên đán.
Muốn ăn lạp xưởng đúng vị thì nhất định phải tìm mua chính gốc từ miền Tây, vì đây là nơi sản sinh ra món ăn mà khi nướng hay chiên lên lại tỏa ra hương thơm chẳng thể chối từ. Hiện nay, lạp xưởng rất đa dạng, nhiều loại như lạp xưởng tươi, lạp xưởng khô, lạp xưởng tôm, lạp xưởng cá… để phù hợp với khẩu vị của nhiều người hơn.
Tiêu Phú Quốc: Tiêu là một trong những gia vị quan trọng, không thể thiếu với nhiều món ăn ngày Tết. Ở miền Tây có đặc sản tiêu Phú Quốc nổi tiếng, trồng tại đảo ngọc Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tiêu khô, tiêu tươi nơi đây từ lâu được biết đến với độ cay nồng, thơm hương đặc trưng, chất lượng vượt trội.
Dưa hấu Long An là một trong những đặc sản trái cây nổi tiếng ở miền Tây, được nhiều người ưa chuộng dịp Tết. Sản vật này có ruột đỏ, hạt nhỏ hoặc không hạt, ngọt thanh, mọng nước...Ảnh: Internet.
Theo THAO NGUYÊN (Kiến Thức)