Hình ảnh miền Tây thân thương với cái cầu tre mộc mạc, giản dị vô cùng, đã gắn bó với người dân quê tôi theo từng năm tháng với thật nhiều những ký ức đẹp.
Ba kể: “Mỗi lần xong một cây cầu là hay đi qua đi lại, nhún nhún mấy nhịp cho chắc chắn, đặng lúc đi khỏi có vấn đề gì”. CÔNG HÂN
Tôi sinh ra ở miền Tây, là người đất rừng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Ngoài những cánh rừng tràm trải dài như vô tận thì miền Tây quê tôi còn có nhiều kênh rạch chằng chịt, thuận lợi cho giao thông đường sông. Từ ngày xưa, cái cầu tre được coi là một trong những phương tiện “hợp thời” và “tân tiến” bậc nhất.
Gọi cầu tre với mấy nhịp là bởi vì cầu được bắc thành nhiều nhịp. Cũng tùy vào độ dài của con sông, thường là ba, hơn nữa thì bốn nhịp. Ở nhịp giữa của cầu, phần dài nhất bắc tới bờ bên kia nhờ hai nhịp ngắn ở hai bên. Người ta thường dùng tràm hoặc bạch đàn để làm chân cầu, còn tay vịn thì chặt tre loại tốt. Kết cấu tuy đơn giản mà chắc chắn, phơi nắng phơi mưa mấy năm trời mà vẫn còn cứng cáp.
Ba với má tôi thường kêu là cầu khỉ. Ít khi nào tôi nghe kêu là cầu tre. Cũng không biết vì sao mà cây cầu tre còn có tên gọi khác là cầu khỉ, từ lúc cha sanh mẹ đẻ tới giờ đã được nghe như vậy. Có thể vì khi đi qua cầu, dáng đi của người ta với lấy cái tay vịn trên cầu, đi như một con khỉ mà cái tên cầu khỉ cũng bắt nguồn từ đó. Nghĩ cũng thật lạ mà cũng thật dễ thương vô cùng!
Nhớ hồi đó hễ mỗi lần nhà bác Hai chuẩn bị dựng cây cầu tre mới hay sửa sang cầu cũ thì y như rằng mấy anh em của ba tôi với mấy chú trong xóm sẽ tụ họp lại với nhau, người thì đi đốn tre, người thì chặt tràm làm chân. Suốt mấy tiếng đồng hồ trầm mình dưới nước thì cuối cùng cây cầu tre cũng hoàn thành. Ba kể: “Mỗi lần xong một cây cầu là hay đi qua đi lại, nhún nhún mấy nhịp cho chắc chắn, đặng lúc đi khỏi có vấn đề gì”.
Và quả nhiên, tiết mục đặc sắc nhất không phải là quá trình dựng cầu mà là câu chuyện sau khi dựng chiếc cầu ấy. Mấy chú, mấy bác sẽ “nhâm nhi” vài ly với chủ nhà, như thể người ta trả ơn với nhau. Họ nói chuyện về ruộng đất, chuyện mưa nắng rồi bàn tính tới chuyện dựng cầu cho nhà nào tiếp theo trong xóm. Má tôi góp công bằng cách ở trong chái bếp, chuẩn bị một nồi canh chua cá lóc đồng thơm phức đặng đãi cho mấy chú.
Những điều tưởng chừng như đơn giản ấy nhưng đối với tôi nó chứa đựng những ký ức đẹp đẽ vô cùng, mà chỉ ai đã từng đến với mảnh đất này, được đi qua cái cầu tre hay người được sinh ra nơi đây mới có thể cảm nhận được. Chiếc cầu tre như đã nối lại kỷ niệm của tôi với quê hương của mình, đó là địa điểm quen thuộc mà mỗi buổi trưa “trốn” má không ngủ, đi tắm sông cùng với bọn con nít trong xóm.
Nhà tôi phía đằng trước có con sông dài chảy ra sông Cái Lớn. Cách chừng bốn, năm nhà là có một cây cầu tre để người ta đi lại, người ta bắc cầu đi chung cho đỡ tốn công. Mấy hôm không chịu ngủ trưa, má có đánh đòn tôi cũng nhất quyết không chịu ngủ, là trẻ con, tôi chỉ muốn chạy giỡn, thả diều, tắm sông chứ không bao giờ thích ngủ trưa. Má tôi bất lực. Vì thế má mới nhắc lại chuyện cũ cho tôi nghe “hồi đó mầy chừng bốn năm tuổi, má biểu mầy đi mua nước đá. Trước nhà ông Hai thì có cây cầu tre, mầy phải đi qua đó thì mới tới được tiệm tạp hóa. Có lần mầy xui rủi làm sao mà bị té cầu. May là với tay ôm lấy tay vịn của cây cầu. Ông Hai trong nhà thấy được rồi chạy ra mới cứu được mầy. Mầy lội sông lội suối cho dữ vô”.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ hoài cái chuyện má kể. Mặc dầu chỉ qua lời kể của má nhưng tôi thấy biết ơn ông Hai nhiều lắm. Ông vẫn còn ở quê nhưng đã yếu. Mỗi lần về, tôi thường sang thăm hỏi ông, những thế hệ bà con ở quê tôi sống nghĩa tình, hào hiệp là như vậy. Và bây giờ, nhắc lại chuyện xưa thì có kể “ba ngày ba đêm” cũng chưa hết!
Cuộc sống của người dân quê tôi ngày được cải thiện, vì thế mà những chiếc cầu bê tông cốt thép, cầu sắt được ra đời, phục vụ tốt hơn những cây cầu tre lắt lẻo ngày trước. Cầu tre có vẻ không còn “hợp thời” và “tân tiến” bậc nhất nữa, nhưng với tất cả những người dân quê tôi, chiếc cầu tre đã níu giữ biết bao nhiêu là kỷ niệm buồn, vui. Cái cầu tre, nó không chỉ nối lại giữa hai bến bờ mà còn kết chặt hơn những con người chân quê, chất phác, thật thà…
“Ầu ơ… Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”.
Tôi thèm được nghe tiếng ru êm ái mỗi buổi trưa hè của má. Chỉ một lần thôi, tôi muốn được trở về những ngày thơ ấu, được đi qua mấy nhịp cầu tre trước cửa nhà ông Hai, dẫu có gập ghềnh, vẫn đáng giá biết bao nhiêu.
Theo LÝ NGUYỄN MINH TÂN (Thanh Niên)