Thâm canh, tăng vụ làm cho đất không còn thời gian nghỉ ngơi là một trong những nguyên nhân khiến đất bị suy thoái.
Theo các chuyên gia, trong những năm gần đây, việc thâm canh tăng vụ ở ĐBSCL phát triển nhanh chóng, làm thay đổi các đặc tính độ phì nhiêu của đất; đồng thời đẩy nhanh các tiến trình suy thoái làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất. Để ổn định hoặc gia tăng năng suất, người nông dân phải tăng lượng phân bón và điều này làm cho đất ngày càng suy kiệt.
GS.TS Võ Quang Minh, Trưởng Bộ môn Tài nguyên đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Trong quá trình canh tác, chúng ta thường quan tâm đến vai trò của đất trong tăng năng suất mà ít quan tâm đến các yếu tố duy trì độ phì nhiêu đất. Bên cạnh đó, các nhà quản lý, cán bộ khuyến nông có ít thông tin hoặc thiếu kiến thức trong nhận biết cụ thể, chính xác về chủng loại, đặc tính từng loại đất; sự ảnh hưởng của đất đối với quá trình canh tác… Điều này ảnh hưởng đến quá trình chỉ đạo, khuyến cáo nông dân trong sản xuất. Do đó, các nhà làm công tác khuyến nông, quản lý nông nghiệp cần những công cụ đáng tin cậy, nhanh chóng và dễ sử dụng để giúp họ đánh giá được tình trạng của đất phù hợp với từng loại cây trồng và kịp thời đưa ra giải pháp chỉ đạo, khuyến cáo kịp thời.
Từ thực tế này, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp bộ “Xác định các chỉ thị của sự suy giảm và các biện pháp cải thiện độ phì đất nông nghiệp vùng ĐBSCL trên cơ sở hệ thống FCC”. Đề tài nhằm cung cấp cho các nhà quản lý, nông học phương pháp đánh giá đất trực quan VSA (Visual Soil Assessment) trong xác định các chỉ thị sự suy giảm độ phì nhiêu của đất; cũng như biện pháp cải thiện độ phì nhiêu đất nông nghiệp ĐBSCL trên cơ sở hệ thống phân loại độ phì đất (FCC). Từ đó, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế, góp phần quản lý và sử dụng đất bền vững.
Phương pháp VSA dựa trên đánh giá trực quan về “trạng thái đất” chính và các chỉ số đánh giá về chất lượng của đất (cấu trúc đất, độ ẩm đất, độ xốp đất, màu đất...) được thể hiện qua phiếu đánh giá với các thang điểm. VSA cung cấp một khung nền cho phép nông dân, tổ chức, cá nhân có ít kiến thức về khoa học đất có thể đánh giá được tình trạng tiềm năng đất đai như một chuyên gia. Việc kết hợp giữa hệ thống FCC với VSA giúp xác định, nhận dạng mức độ suy thoái đất từ đó đề xuất các biện pháp cải thiện và giảm nguy cơ suy thoái đất.
Các loại phân hữu cơ, phân bón thông minh được khuyến cáo sử dụng để hạn chế tình trạng đất bị bạc màu, suy kiệt. Trong ảnh: Sản phẩm phân bón thông minh được giới thiệu tại một sự kiện tổ chức trên địa bàn TP Cần Thơ.
Ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Trước đây, ông bà ta quan niệm “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” yếu tố đất chưa được quan tâm. Bởi thời điểm ấy, khoa học công nghệ chưa phát triển và đất đai phì nhiêu, giàu dinh dưỡng. Nhưng giờ đây, chúng ta phải nhìn nhận đất là yếu tố không thể thay thế được đối với sản xuất nông nghiệp. Và việc cải thiện độ phì nhiêu, phục hồi tài nguyên đất phải được tính đến. Bên cạnh đó, các nhà khoa học, quản lý cũng cần ngồi lại với nhau để đưa ra quy hoạch; chọn cơ cấu cây trồng, mùa vụ; tưới tiêu; bón phân hữu cơ; xử lý môi trường… để cùng đưa ra giải pháp đồng bộ, tối ưu. Bởi nếu chỉ quan tâm đến đất mà bỏ quên các yếu tố khác thì không thể xây dựng được nền nông nghiệp bền vững được”.
Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo vệ và cải thiện độ phì nhiêu của đất, các địa phương cần xây dựng các mô hình canh tác phù hợp: luân canh trên vùng tăng vụ lúa; canh tác bền vững vùng nhiễm mặn; phủ xanh mặt đất… Một số nghiên cứu cho thấy, phân bón sau khi rải xuống ruộng khoảng 60% đạm mất đi do bốc hơi, bị rửa trôi, lúa chỉ hấp thu 40%. Và giải pháp để tăng hiệu suất sử dụng phân bón là sử dụng “phân bón thông minh lâu tan”. Với công nghệ bao nang sẽ giúp phân tan chậm, giúp cây dễ hấp thu; đồng thời giúp tiết kiệm sức lao động, giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất thu hoạch.
Song song đó, các địa phương khuyến khích nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh; đồng thời cần phát triển chế phẩm sinh học đa dạng dòng vi sinh vật có ích là yếu tố tất yếu hiệu quả trong cải thiện chất lượng đất. Hiện nay, các địa phương vùng ĐBSCL đang hình thành các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân khá thành công. Từ nền tảng này, ngành Nông nghiệp cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp “đầu vào” cung ứng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học góp phần phục hồi sức sống nguồn tài nguyên đất. Đây cũng là hướng đi đúng đắn cho canh tác nông nghiệp hữu cơ bền vững.l
Theo MỸ THANH (Báo Cần Thơ)