Cải tạo vườn sầu riêng sau hạn mặn

17/08/2020 - 08:46

Dù mùa mưa, nhưng trên địa bàn ấp Định Bình, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, nhiều vườn sầu riêng còn ngổn ngang gốc khô chưa dọn, có nơi vừa trồng lại cây tơ. Hòa Nghĩa và Long Thới là hai xã có nhiều diện tích trồng sầu riêng của huyện Chợ Lách.

Ủ gốc sầu riêng, xử lý ra bông nghịch vụ sau đợt hạn mặn.

Thiệt hại nặng do hạn mặn

Mùa khô 2019-2020, hạn mặn đến sớm và kéo dài gần 6 tháng là điều vượt quá sức dự phòng của nông dân. Độ mặn trên các sông chính ở Chợ Lách trung bình 4%o. Đỉnh mặn ở địa bàn xã Tân Thiềng có khi lên đến 10,9%o gây ra tình trạng không đủ nước ngọt để tưới cho cây trồng. Thêm vào đó, khô hạn, nắng nóng, nhiệt độ có khi lên đến 380C đã làm thiệt hại diện tích lớn cây ăn trái trên địa bàn huyện.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, hạn mặn mùa khô 2019-2020 kéo dài đã làm thiệt hại khoảng 70% trên gần 1.500ha đất trồng cây ăn trái của địa phương, trong đó chủ yếu là cây ăn trái đặc sản: sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh. Hộ ông Nguyễn Hoàng Vũ, ở ấp Nhơn Phú, xã Hòa Nghĩa là một trong những hộ bị thiệt hại nặng do hạn mặn. Gần 6 công sầu riêng nhà ông bị thiệt hại gần 70%. “Các cây lâu năm chết nhiều, chỉ còn lại mấy cây tơ mới trồng chưa lâu, rễ chưa sâu thì còn cầm cự được”, ông Vũ cho hay.

So với cây chôm chôm thì sầu riêng có sức chống chịu cao hơn với nước mặn. Kỹ sư Lê Văn Đơn - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách phân tích, tình trạng ảnh hưởng của các vườn sầu riêng chủ yếu là bị khô hạn, cháy lá, chết cành, chết cây. Phần lớn cây chết trong đợt hạn mặn là do người dân xử lý mang trái trong chính vụ từ tháng Giêng. Các cây không mang trái cũng bị cháy lá, suy cây, cần thời gian dưỡng và hồi phục.

Sau hạn mặn, đất bị nhiễm phèn, chưa thể xử lý ngay được. Nhiều hộ  dân đã dọn vườn, đốn bỏ cây chết, chuyển sang làm cây giống. Một số vườn cải tạo, trồng cây mới hoặc chuyển đổi loại cây trồng. Thực trạng này, dự báo sự suy giảm lớn diện tích cây ăn trái và sản lượng trái cây trên địa bàn huyện Chợ Lách. Đồng thời, việc người dân chuyển đổi sang làm cây giống hoặc chuyển đổi loại cây trồng cũng cần được ngành chức năng hướng dẫn, quy hoạch để giữ vững chất lượng, thương hiệu cây giống cũng như cảnh báo nguy cơ bão hòa thị trường cây giống.

Kỹ thuật cải tạo vườn

Ở Chợ Lách, bên cạnh những hộ chuyển đổi hẳn cây trồng hoặc làm cây giống thì cũng có nhiều hộ tiếp tục gắn bó với cây sầu riêng. Ông Nguyễn Hoàng Vũ là một trong số đó. Hiện hộ ông đang tích cực cải tạo lại vườn, đốn bỏ các cây chết, kiểm tra chất lượng đất, nước để trồng mới lại sầu riêng. “Lần này, tôi hỏi thăm cán bộ kỹ thuật nông nghiệp để quy hoạch lại vườn, làm kỹ lại từ đầu”, ông Vũ nói.

Phân tích tình trạng vườn sầu riêng sau hạn mặn, kỹ sư Lê Văn Đơn cho biết, tình trạng đất vườn hiện tại chủ yếu là khô hạn do thời gian dài không có nước tưới. Một số đất bị xì phèn, trở thành đất chết, lượng vi sinh vật có lợi suy giảm nghiêm trọng. Trước khi trồng lại, nhà vườn cần phải rửa mặn, tháo phèn, nhờ nước mưa rửa trên liếp mương để giảm độ mặn; tăng cường phân hữu cơ, bổ sung nhóm vi sinh vật có ích để cải tạo đất. Đối với cây sầu riêng bị suy cần dưỡng lại thì chủ yếu bón phân hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trừ rầy, chống nấm để bảo vệ cây trong giai đoạn yếu sức.

Cây sầu riêng là cây đặc sản có giá trị kinh tế cao của tỉnh, việc giữ diện tích và có giải pháp canh tác ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu là vô cùng cần thiết. Trong đợt hạn mặn khốc liệt vừa qua cũng đã sáng lên các mô hình, cách làm hay của nông dân, đã bước đầu ứng phó được với thiên tai. Một số vườn sầu riêng trên địa bàn huyện vượt qua được hạn mặn đang bước vào giai đoạn xử lý ra bông nghịch vụ. Những bông sầu riêng bung sáng trong vườn như niềm hy vọng của người nông dân cho một mùa vụ mới.

Theo THANH ĐỒNG (Báo Đồng Khởi)