Cần chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL

05/08/2022 - 09:04

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức lễ công bố Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 (AMDER 2022). Với chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp”, AMDER 2022 đã chỉ ra những cơ hội và thách thức mà ĐBSCL đang phải đối mặt, từ đó có những khuyến nghị thúc đẩy chuyển đổi mô hình, giúp ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững.

ĐBSCL đối mặt “vòng xoáy” đi xuống

Lúa là cây trồng chủ lực tại vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

AMDER 2022 là công trình nghiên cứu hợp tác bởi VCCI và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính sách, nông nghiệp, giao thông, môi trường, năng lượng… nhằm cung cấp thông tin về tình hình kinh tế ĐBSCL và những vấn đề quan trọng của vùng. Báo cáo năm 2022 có chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp”, với các phần chính gồm tổng quan kinh tế, cập nhật kinh tế ĐBSCL, tiêu điểm năm 2021 và phần kết luận, khuyến nghị chính sách.

Báo cáo chỉ rõ, ĐBSCL đang đứng trước thử thách của 3 vòng xoáy: “Vòng xoáy ngân sách” phản ảnh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL; “Vòng xoáy lao động” xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ và “Vòng xoáy cơ cấu kinh tế” là căn nguyên của hai vòng xoáy trên. Chỉ bằng cách phá vỡ một số mắt xích của các vòng xoáy đi xuống về kinh tế, xã hội, môi trường, sau đó đảo ngược thành các vòng xoáy đi lên thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững.

Theo AMDER 2022, trong cả giai đoạn 2016-2021, không có thay đổi đáng kể trong cơ cấu kinh tế theo ngành ở ĐBSCL. Tỷ trọng khu vực nông nghiệp và dịch vụ có xu hướng giảm nhẹ, mức giảm dao động từ 1-2%, còn khu vực công nghiệp tăng nhẹ từ 25% lên 27%. Công nghiệp và dịch vụ của  ĐBSCL chưa đủ vững chắc để trở thành trụ cột kinh tế bền vững cho vùng.  Trong năm 2021, nông nghiệp vẫn duy trì đóng góp 1 điểm phầm trăm vào tăng trưởng thì công nghiệp và dịch vụ rơi vào suy thoái, đóng góp lần lượt là âm 0,6 và âm 0,2 điểm phần trăm, dẫn đến GDP của vùng ước tính sụt giảm 0,43% so với năm 2020. Cả thu và chi ngân sách của vùng cũng đều suy giảm do tác động của dịch COVID-19. Đóng góp của ĐBSCL cho công nghiệp chế biến, chế tạo của cả nước ngày càng một suy giảm...

Cần chuyển đổi kịp thời

ĐBSCL đối diện nhiều thách thức lớn trên mọi mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Hơn nữa, các thách thức này lại tương tác ảnh hưởng lẫn nhau gây ra nhiều “vòng xoáy” đi xuống khiến nền kinh tế nói chung và nông nghiệp ĐBSCL nói riêng khó có thể phát triển bền vững nếu không có giải pháp chuyển đổi một cách toàn diện.

Về kinh tế, việc thực hiện sứ mệnh an ninh lương thực, giữ diện tích sản xuất lúa rất lớn và sản xuất nông nghiệp nặng về số lượng hơn chất lượng dẫn đến giá trị không cao, tăng trưởng kinh tế thấp. Về xã hội, việc thiếu cơ hội việc làm tốt khiến rất nhiều lao động trẻ di cư, chủ yếu tới Đông Nam Bộ. Về môi trường, biến đổi khí hậu và biến động nước xuyên biên giới cũng như những vấn đề nội tại như tận khai tài nguyên thiên nhiên, lạm dụng các loại nông dược, ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, khai thác cát và nguồn nước ngầm quá mức... đã tác động lớn đến hệ sinh thái, đời sống và sinh kế của hàng triệu người dân ĐBSCL.

Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Trưởng nhóm nghiên cứu AMDER 2022, để đảo ngược các vòng xoáy đi xuống của ĐBSCL, chúng ta cần chọn các mắt xích quan trọng để chuyển thành vòng xoáy đi lên. Đầu tiên là cần thay đổi quan điểm về an ninh lương thực theo hướng hiện đại (khả năng tiếp cận lương thực, khả năng tạo ra được dinh dưỡng cho người sử dụng và khả năng hỗ trợ của Nhà nước trong điều kiện cần thiết, chứ không phải tập trung trồng lúa) nhằm tạo giá trị cao thêm cho ĐBSCL. Kế đến là tăng cường đầu tư cho ĐBSCL, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông giúp giảm chi phí vận tải, logistics và tạo thuận lợi trong kết nối với các thị trường. Tăng số lượng, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư. Giải phóng sức sống cho nông nghiệp, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường...

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, dù đứng trước nhiều thách thức, nhưng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ, chúng ta cần lạc quan vì ĐBSCL  đang có cơ hội mới để phát triển. Chính phủ cũng vừa phê duyệt Quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 là cơ sở để định hình lại quá trình sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL trên cơ sở phát triển bền vững, biến thách thách thức thành cơ hội. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả, phát triển từ phân tán sang tập trung, tăng cường liên kết ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ... Đây có thể nói là cơ hội và nền tảng mới cho ĐBSCL định hình và có được mô hình phát triển mới.

Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường, trong dài hạn, tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế không đến từ nông nghiệp mà đến từ sự chuyển đổi cơ cấu sang công nghiệp và dịch vụ. Do vậy, mọi nỗ lực tháo gỡ những nút thắt cản trở sự phát triển công nghiệp và dịch vụ của ĐBSCL là điều kiện cần thiết để phát triển. Cần Thơ đã có kế hoạch tập trung phát triển các hạ tầng cho ngành thương mại dịch vụ, kết nối với cả vùng ĐBSCL như Trung tâm Logistics hạng II, Trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, đô thị sân bay.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG