Cần giải pháp chủ động ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn

08/04/2024 - 10:24

Những ngày qua ở ÐBSCL hạn hán, xâm nhập mặn (XNM) diễn ra ngày càng gay gắt, lấn sâu vào nội đồng, đe dọa sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân. TP Cần Thơ cũng như các địa phương trong khu vực ÐBSCL tập trung thực hiện nhiều biện pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để chủ động ứng phó…

A A

Hệ thống bơm tát được đầu tư xây dựng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở TP Cần Thơ.

Khô hạn, xâm nhập mặn gia tăng

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nửa cuối tháng 12-2023 tới nay, trên toàn bộ ÐBSCL gần như không mưa. Trong điều kiện mưa không xuất hiện, trời nắng kéo dài, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong đổ về bị thiếu hụt khiến ÐBSCL trải qua mùa hạn, mặn khốc liệt. Do đó, XNM mùa khô năm 2023-2024 đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Ngay từ nửa cuối tháng 11-2023, mặn đã bắt đầu xâm nhập vào các sông theo đỉnh triều trong ngày. Từ tháng 12-2023 đến nay, nhiều đợt XNM tiếp tục xảy ra, trong đó đỉnh điểm là tháng 3-2024. Ðợt XNM xuất hiện từ ngày 8-13/3 với ranh mặn 4‰ vào sâu 40-66km, có nơi sâu hơn. Tính đến nay, mức độ XNM ở Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm, xấp xỉ so với năm 2016 - một trong những năm hạn, mặn kỷ lục ở ÐBSCL. Riêng tại tỉnh Bến Tre, XNM ở mức xấp xỉ ranh mặn sâu nhất năm 2016, đồng thời trên sông Cổ Chiên đã xâm nhập sâu hơn ranh mặn sâu nhất năm 2016… Nhiều địa phương trong vùng đã chịu nhiều ảnh hưởng do khô hạn, XNM làm thiệt hại sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…

Ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Ðài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết: “Nắng nóng hiện vẫn gay gắt, lượng nước bốc hơi mạnh, nguồn nước từ thượng nguồn thấp nên mặn vẫn tiếp tục xảy ra tại các tỉnh ÐBSCL. Từ nay đến cuối tháng 5, ÐBSCL còn diễn ra các đợt XNM tăng cao. Do đó, việc theo dõi, dự báo để có giải pháp phối hợp ứng phó với hạn, mặn ÐBSCL cần được quan tâm, các tỉnh thành chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, phát triển kinh tế và an sinh xã hội phù hợp trong toàn khu vực…”.

TP Cần Thơ có vị trí cách xa biển Ðông khoảng 80km. Mùa khô hạn hằng năm, thành phố có hướng XNM chủ yếu theo sông Hậu (do thủy triều đẩy mặn từ biển vào dọc theo sông Hậu). Ðịa bàn có thể bị ảnh hưởng trực tiếp là quận Cái Răng. Trong khoảng 15 năm trở lại đây, TP Cần Thơ ghi nhận có 2 đợt XNM theo đường sông Hậu vào đến cảng Cái Cui thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng (giáp ranh tỉnh Hậu Giang) vào năm 2016 và 2020. Ðiều này cho thấy tác động của biến đổi khí hậu, của thiên tai, nhân tai (như vận hành thủy điện, hồ chứa ở thượng nguồn…) ngày càng cực đoan, gay gắt, không theo quy luật, gây thiếu nước, khô hạn, XNM nhiều hơn so với thời gian trước đây.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Ðể chủ động phòng chống và thích ứng với khô hạn, thiếu nước, XNM, TP Cần Thơ đã làm tốt công tác dự báo, truyền thông để thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ đến chính quyền các cấp và người dân về nguy cơ hạn hán, XNM để có giải pháp ứng phó. Bên cạnh đó, thời gian qua thành phố cũng tổ chức vận hành các công trình thủy lợi hợp lý; xây dựng các kịch bản về ứng phó và thích ứng với hạn hán, thiếu nước, XNM phù hợp với tình hình thực tế của từng quận, huyện…”.

Cần giải pháp ứng phó

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Ðại học Cần Thơ, cho biết: Trong những năm gần đây, vấn đề hạn mặn thường diễn biến khá phức tạp, xâm nhập sâu vào các hệ thống kênh rạch, với độ mặn lớn nhất thường xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 hoặc tháng 5 do ảnh hưởng của thủy triều ở biển Ðông và biển Tây cũng như tình trạng suy giảm của nguồn nước đến từ thượng nguồn. Lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong đổ về ít là một trong những yếu tố được quan tâm, không chỉ riêng ở Việt Nam mà của các nước trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu nên lượng mưa giảm, lượng nước bị bốc hơi cao cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hạn hán, XNM xảy ra. Ngoài một số yếu tố tự nhiên nêu trên thì yếu tố con người cũng góp phần không nhỏ gây ra XNM. Việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng sụt lún đồng bằng cũng như tình trạng khai thác cát lòng sông dẫn đến tình trạng hạ thấp đáy sông đã tạo điều kiện thuận lợi cho mặn xâm nhập sâu trong nội đồng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đưa nước mặn vào sâu trong nội đồng…

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung nhấn mạnh: “Mặc dù đã có một số giải pháp được áp dụng để kiểm soát XNM ở các địa phương vùng ÐBSCL, như Hệ thống thủy nông Quản Lộ - Phụng Hiệp; hệ thống thủy lợi ngọt hóa và ngăn mặn ở tỉnh Bến Tre; cống đập Ba Lai, hệ thống đê biển cho toàn bộ hệ thống ven biển ÐBSCL... Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra với cường độ và tính phức tạp ngày càng tăng cao và khó lường. Do đó, cần có giải pháp căn cơ cho việc sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý cho từng vùng sinh thái”.

Thời gian qua, ÐBSCL, đặc biệt là 8 tỉnh ven biển thường xuyên bị ảnh hưởng bởi XNM và hạn. Năm 2015-2016 và 2019-2020 là hai năm XNM nghiêm trọng của vùng. Năm 2016, XNM tiến sâu vào đất liền tới 90-100km, với 10/13 tỉnh ÐBSCL công bố thiệt hại, tổng diện tích lúa thiệt hại khoảng 180.000ha, khoảng 194.000 hộ gia đình và 900.000 người ảnh hưởng do khô hạn, XNM. Năm 2019-2020, nhờ chủ động ứng phó, diện tích lúa thiệt hại khoảng 14%, cây trái 85%, 24% người dân ven biển bị ảnh hưởng. Tình hình XNM và hạn hán ảnh hưởng rất nhiều đến hiện trạng canh tác và người dân sống ven biển, bên cạnh đó sụt lún khu ven biển do khai thác quá mức nước ngầm, đặc biệt là Sóc Trăng, Bạc Liêu… góp phần gia tăng thêm XNM khu vực này. PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Ðiệp - Bộ môn Tài nguyên đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên thuộc Trường Ðại học Cần Thơ, cho biết: “Ðể thích ứng với hạn mặn, chúng tôi có đề xuất hướng dẫn người dân trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trong gia đình. Hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho người dân canh tác phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng sinh thái. Chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, vật nuôi, cây trồng phù hợp với từng vùng. Nghiên cứu, lai tạo giống cây mới chịu hạn, chịu mặn, mang lại giá trị kinh tế cao, sản xuất tập trung để phù hợp với hiện trạng canh tác. Bên cạnh đó, tăng cường quan trắc, giám sát, nâng cao năng lực dự báo mặn. Sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp, nạo vét khu vực cửa cống lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí. Cuối cùng là việc trữ nước ngọt ở ven biển, có thể xây dựng hồ chứa nước ngọt như Sóc Trăng từng làm để phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất…”.

Theo HÀ VĂN (Báo Cần Thơ)