Cán bộ Bộ phận Một cửa UBND quận Ô Môn hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Xác định cải cách hành chính (CCHC) và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hằng năm, Sở TN&MT xây dựng kế hoạch, chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số PAPI của thành phố. Bên cạnh đó, ngành TN&MT tập trung cải cách TTHC, nhất là thủ tục về đất đai nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng và thân thiện. Trong đó, tập trung rà soát, đơn giản hóa thành phần, lượng hồ sơ, cắt giảm từ 110 TTHC (tháng 12-2017) xuống còn 101 TTHC (tháng 4-2023); tham mưu ban hành quy chế phối hợp trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa các cơ quan TN&MT, cơ quan thuế và kho bạc; triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với 87 TTHC (55 TTHC toàn trình, 32 TTHC một phần) và đã kết nối đồng bộ với Cổng Dịch vụ quốc gia. Triển khai và áp dụng thực hiện liên thông điện tử thuế giữa cơ quan thuế và các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai 6/9 quận, huyện (Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Phong Ðiền, Vĩnh Thạnh) còn lại 3 quận, huyện đang tiếp tục triển khai thực hiện.
Chỉ số PAPI của thành phố năm 2022 bị giảm điểm, trong đó chỉ số thành phần quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá bồi thường thu hồi đất giảm 0,04 điểm; dịch vụ và thủ tục về chứng nhận quyền sử dụng đất giảm 0,09 điểm. Nguyên nhân là do một số quy định của Luật Ðất đai còn chưa cụ thể, chồng chéo với Luật Ðầu tư, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng... dẫn đến khó khăn khi thực hiện TTHC cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Ông Huỳnh Phú Hiệp, Phó Giám đốc Sở TN&MT chia sẻ, thời gian qua, thành phố đầu tư nhiều tuyến đường quan trọng dẫn đến việc biến động đất đai, các giao dịch trên địa bàn phát sinh nhiều. Bên cạnh đó, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân còn gặp nhiều khó khăn do vướng quy định pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng; người bị thu hồi đất không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị đã xuống cấp, không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết TTHC về đất đai...
Nhằm cải thiện chất lượng giải quyết TTHC về đất đai, Sở TN&MT đề ra một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, tiếp tục cải cách TTHC lĩnh vực đất đai theo hướng đơn giản hóa, bãi bỏ các TTHC không cần thiết, là rào cản trong sản xuất, kinh doanh gắn với chuyển đổi số. Ðẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai các quận, huyện trên địa bàn thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp. Tăng cường đối thoại với tổ chức, doanh nghiệp để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết TTHC về đất đai.
Ngoài ra, Sở sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai, xử lý nghiêm các trường hợp được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án, nhưng quá thời hạn cam kết vẫn chưa triển khai, không đưa đất vào sử dụng, không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Kiên quyết thu hồi đất đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích để bảo đảm cho việc sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Ông Huỳnh Phú Hiệp, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: “Sở sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ; nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ công chức, viên chức, nhất là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Từng bước siết chặt và đẩy mạnh thực hiện việc đánh giá, phân loại để làm cơ sở tinh giản biên chế, đưa ra khỏi bộ máy đối với công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm, năng lực yếu kém, có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp”.
Theo HOÀNG YẾN (Báo Cần Thơ)