Ông Tám Nhơn làm hòn non bộ.
Hơn 20 năm chất đá thành “núi”
Ông Tám Nhơn nhà ở đường Cách mạng Tháng 8, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, nhưng hiện có đến 3 cơ sở làm hòn non bộ, hai điểm còn lại ở gần chân cầu Cái Răng 2 (đường dẫn cầu Cần Thơ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng) và gần chân cầu Ba Láng (quốc lộ 61C, phường Ba Láng, quận Cái Răng). Do vậy, ông Tám Nhơn phải tất bật để có hàng bán cho khách.
Làm hòn non bộ hay giả sơn được coi là bộ môn nghệ thuật, nghệ nhân bằng trí tưởng tượng, khả năng tư duy nghệ thuật của mình sắp đặt những hòn đá ở vị trí hợp lý nhất, làm nên hòn non bộ giống như một ngọn núi thật, với cảnh trí thiên nhiên xung quanh thật hài hòa. Ông Tám Nhơn đã theo nghề hơn 20 năm qua và là một trong những thợ làm non bộ có tiếng ở Cần Thơ hiện nay. Ông Tám Nhơn kể: “Lúc đầu cũng theo học thầy những công đoạn cơ bản. Nhưng nghề này quan trọng là sáng tạo, vừa làm vừa học”. Nói rồi, ông chỉ tay vào hàng loạt tác phẩm đã hoàn thiện và giải thích thêm, mỗi tác phẩm từ kích thước, hình dáng đến màu sắc, bố cục... đều khác nhau hoàn toàn, không sao chép lẫn nhau.
Theo ông, để có được tác phẩm non bộ bắt mắt, khâu tuyển chọn đá rất quan trọng. Loại đá mà ông chọn là đá san hô, một loại đá có độ xốp, nhẹ hơn các loại đá thông thường, được mua từ miền Trung. Một số non bộ do yêu cầu, có thể dùng đá cổ thạch, chắc và nặng hơn nhiều so với đá san hô, không thấm nước. Đá mua về chỉ là khối lớn “vô tri”, nhưng qua sự tài hoa và sáng tạo của ông Tám Nhơn, những hòn non bộ hiển hiện mang đến cho người xem sự kỳ vĩ, thiên nhiên. Nhiều người còn nói vui là ông mang sơn cước về đồng bằng.
Hơn 20 năm theo nghề, khẳng định được tên tuổi trong giới làm nghề, nhưng ông Tám khiêm tốn nói rằng, tất cả chỉ là nhờ ông kiên trì, đam mê. “Nghề này mà không đam mê là thua liền. Tối ngày toàn chơi với đá, xi măng. Vậy mà tôi mê, có khi 2-3 giờ sáng thức làm, tới khuya mới nghỉ, vì lỡ tay, muốn làm cho hoàn thành tác phẩm, càng làm là càng cuốn”, ông Tám Nhơn nói. Để thêm thu hút, ông Nhơn còn có khả năng viết thư pháp lên đá rất chuyên nghiệp, bên cạnh kết hợp với biểu tượng mang ý nghĩa phong thủy như Tứ Linh, Tam Đa...
Nhờ sự khéo léo mà tác phẩm non bộ của ông Tám được khách hàng khắp các tỉnh ĐBSCL chọn lựa. Ông từng đi lắp non bộ ở Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng... chủ yếu cho các cơ sở thờ tự và nhà có khuôn viên rộng. Hòn non bộ lớn nhất mà ông từng thực hiện sử dụng đến khoảng chục tấn đá, được chế tác trong suốt hơn 1 tháng ròng. Với những tác phẩm nhỏ hơn, ông cũng mất vài ngày đến vài tuần, tùy kích thước và độ khó, độ tỉ mỉ của tác phẩm.
Thành công nhờ “mỹ ngư”
Con trai ông Tám Nhơn là anh Đỗ Nguyễn Hoàng Khang, sinh năm 1997, tốt nghiệp ngành Xây dựng của Trường Đại học Xây dựng Miền Tây. Anh Khang đến với cá chép Koi - loài cá được mệnh danh “mỹ ngư” như một cơ duyên. Vốn yêu thích loài cá này, lại có hồ cá kết hợp hòn non bộ của cha, anh Khang mua cá về nuôi làm kiểng, giải trí. Dù có thu nhập khá từ nghề marketing online nhưng anh Khang quyết định khởi nghiệp từ cá Koi. Thấy sự quyết tâm của Khang nên ông Tám Nhơn và gia đình cũng đồng ý, dù có hơi bất ngờ.
Nhưng với anh Khang thì không, quyết định đó được anh chuẩn bị khá kỹ từ khâu tìm hiểu thị trường, kỹ thuật chăm sóc, triển vọng kinh tế... Trong đó, anh chọn cách mua cá Koi bộ (cá con) về để nuôi cho lớn, từ trong nghề gọi là “bơm size”, vì có nhiều tiềm năng, vốn đầu tư không nhiều, rủi ro không cao. Ban đầu, Hoàng Khang chọn mua các giống cá Koi ở Việt Nam, sau mua cá Koi Nhật thuần chủng, với chất lượng rất đẹp.
Anh Khang bên hồ cá Koi Nhật thuần chủng
Để có được đàn cá hàng ngàn con, với những hồ cá chỉn chu, chuyên nghiệp như hiện nay, Hoàng Khang đã trải qua không ít sóng gió. Ban đầu do chưa rành về kỹ thuật nên có khi cá chết hàng loạt, anh khăn gói “tầm sư học đạo” ở nhiều trại cá nổi tiếng với quyết tâm không bỏ cuộc. “Đến bây giờ thì tôi tự tin làm chủ tương đối kỹ thuật nuôi cá Koi”, anh Khang chia sẻ.
Kích thước mỗi con cá Koi thuần chủng khi nhập về Việt Nam chỉ từ 12-20cm. Anh Khang tiến hành ươm nuôi thúc cho cá lớn để bán lại. Hiện trại của anh có 3 chủng loại cá, gồm: cá Koi nhập trực tiếp từ Nhật, cá Koi F1 Nhật Bản và cá Koi Việt Nam. Những dòng cá Koi Nhật thuần chủng anh chọn nhập như Kohaku, Sanke, Showa, Doitsu, Karashi, Chagoi, Benigoi, Soragoi… để về ươm nuôi bơm size. Cá Koi nhập trực tiếp từ Nhật Bản có giá thành cao, sau khi nuôi lớn có thể dài hơn 1m, nặng hàng chục ký, màu sắc đẹp và nếu có giấy “khai sinh” thì giá bán có thể lên vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng, mỗi con.
Hiện tại, khách hàng từ nhiều địa phương chọn cá Koi của trại anh Khang về nuôi, nhiều nhất là các quán ăn, điểm vui chơi, giải trí. Điểm thú vị là nghề của cha con anh tưởng 2 mà 1. Gần như 70% trở lên khi khách đặt hòn non bộ của ông Tám Nhơn lại kèm thêm mua cá Koi của anh Khang. Sự kết hợp này càng làm cha con anh Khang thêm gắn bó với nghề, hỗ trợ lẫn nhau. Anh Khang nói: “Chọn nghề nuôi cá Koi có thêm một cái được nữa là tôi được ở gần với gia đình, phụ giúp và cùng cha làm. Có những chuyến thi công non bộ, hồ cá ở xa, cha con đi chung cũng vui và an tâm hơn”.
*
* *
Mức sống người dân ngày càng cao, nhu cầu thụ hưởng các giá trị tinh thần, làm đẹp không gian sống ngày càng nhiều. Vậy nên, nghề “làm đẹp cho đời” của cha con ông Tám Nhơn nhờ vậy được thuận lợi, mang về nguồn thu nhập ổn định. Nhưng hơn cả, cha con ông được sống với đam mê và tài hoa của mình.
Theo ĐĂNG HUỲNH (Báo Cần Thơ)