Cần Thơ: Chăm sóc, bảo vệ tốt lúa đông xuân

03/01/2023 - 09:21

Ðến nay, nông dân TP Cần Thơ xuống giống được 75.023ha lúa vụ đông xuân 2022-2023. Các trà lúa chủ yếu đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng, nhìn chung lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, thời tiết và các loại dịch hại lúa diễn biến phức tạp, nông dân chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa để có vụ mùa thắng lợi.

Ông Nguyễn Văn Tới ở quận Ô Môn đi thăm đồng, chăm sóc lúa đông xuân.

Đông xuân là vụ lúa rất quan trọng bởi năng suất chất lượng lúa thường đạt cao nhất trong năm, giúp nông dân có thể đạt được mức lợi nhuận cao. Ðể có đầu ra sản phẩm thuận lợi và bán lúa được giá cao, nông dân tập trung đầu tư sản xuất các lúa thơm và lúa đặc sản, chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Ðẹp ngụ ấp 3, xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ, cho biết: "Vụ đông xuân đa số nông dân đều chọn sản xuất các giống lúa thơm như: Jasmine 8, Ðài  Thơm 8, OM 18... bán được sản phẩm với giá cao. Tôi có 15 công đất  sạ giống lúa Ðài Thơm 8. Lúa đã gần 60 ngày tuổi, sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Dự kiến hơn 40 ngày nữa mới bước vào thu hoạch lúa. Hiện tại, một số thương lái đã ngỏ ý đặt tiền cọc thu hoạch mua lúa tươi với giá 6.200 đồng/kg nhưng tôi dự kiến cận ngày thu hoạch khoảng 1-2 tuần mới chốt giá bán. Gần đây, giá phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào tiếp tục ở mức cao nên chi phí sản xuất lúa khá cao, vì vậy tôi mong tới đây lúa cũng bán được giá cao tương xứng để người trồng lúa đảm bảo có lời".

Vụ đông xuân, 5 công ruộng của ông Dương Thành, ngụ ấp Ðông Thắng,  xã Ðông Thắng, huyện Cờ Ðỏ gieo trồng giống lúa thơm RVT. Ðến nay, lúa đã được gần 40 ngày tuổi và đang phát triển khá tốt. Ông Thành cho biết: "Năm nay, lũ lớn hơn mọi năm, đồng ruộng được bồi bổ một lượng phù sa đáng kể, từ đó giúp nông dân có thể giảm được lượng sử dụng phân bón trong vụ đông xuân. Tuy nhiên, do giá phân bón và nhiều loại vật tư vẫn ở mức rất cao so với các năm trước nên chi phí sản xuất lúa vụ này khó kéo giảm mạnh. Do vậy, ngoài việc sử dụng phân bón một cách phù hợp và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí, nông dân cũng rất mong tới đây lúa bán được giá cao". Theo ông Nguyễn Văn Tới, ngụ khu vực Thới Hưng,  phường Long Hưng, quận Ô Môn, đến nay ruộng lúa vụ đông xuân của gia đình ông gieo sạ đã được hơn 35 ngày tuổi và lúa phát triển khá tốt, ít sâu bệnh. Hiện tại, ông chỉ mới phun một lần thuốc bảo vệ thực vật để phòng trị bọ trĩ. Dự kiến ruộng lúa của ông bước vào giai đoạn làm đòng đến trổ vào dịp  trước và trong Tết Nguyên đán 2023, lúa được thu hoạch sau Tết. Mỗi ngày ông đều đi thăm đồng để theo dõi lúa nhằm chăm sóc, phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh, đảm bảo cho vụ mùa
thắng lợi.

Vụ đông xuân năm nay, nhìn chung sản xuất lúa gặp bất lợi do lũ rút chậm, kết hợp với triều cường ở mức cao, nông dân phải tốn chi phí bơm tác đầu vụ, đồng thời giá nhiều loại vật tư đầu vào cũng còn duy trì ở mức cao. Song, thời tiết cũng có nhiều thuận lợi cho lúa phát triển và đa phần nông dân cũng đã nắm rành các kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ lúa và chủ động phòng tránh các loại sâu bệnh từ khá sớm. Ðặc biệt, nông dân đã thực hiện bơm tát nước tập thể để giảm chi phí. Ðồng thời, xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng để "né rầy" và đẩy mạnh áp dụng các giải pháp kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"... để nâng cao hiệu quả sản xuất theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Các cấp chính quyền, nhất là ngành Nông nghiệp thành phố và các địa phương cũng đẩy mạnh công tác thông tin, cảnh báo và hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các giải pháp cụ thể để chăm sóc, bảo vệ lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng. Từ đó, đã góp phần quan trọng giúp lúa trên địa bàn phát triển tốt, ít sâu bệnh và tiết kiệm chi phí.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, vụ lúa đông xuân 2022-2023 có kế hoạch xuống giống 74.188ha, đến ngày 21-12-2022 nông dân đã xuống giống được 75.023ha, đạt 101% so với kế hoạch. Các giống lúa được nông dân sử dụng gieo sạ chủ yếu trong vụ đông xuân là các loại lúa thơm, đặc sản và lúa chất lượng cao. Trong đó, Ðài Thơm 8 chiếm tỷ lệ 58%, lúa thơm Jasmine 85 chiếm tỷ lệ 13%, lúa thơm RVT chiếm tỷ lệ 9%, các giống OM 5451, OM 18, OM 4218 và OM 380 chiếm tỷ lệ 12%, giống IR 50404 chiếm tỷ lệ 5%... Các trà lúa đông xuân chủ yếu đang trong giai đoạn mạ,  đẻ nhánh đến làm đòng, nhìn chung lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, trên một số trà lúa đã có sự xuất hiện và gây hại của các đối tượng dịch hại như chuột, bọ trĩ, rầy nâu, bệnh đạo ôn lá... Ðể chăm sóc và bảo vệ tốt lúa đông xuân, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đề nghị ngành Nông nghiệp các địa phương cử lực lượng cán bộ kỹ thuật, nhân viên trồng trọt và bảo vệ thực vật cấp cơ sở theo dõi, kiểm tra giám sát đồng ruộng, tổ chức cùng nông dân thăm đồng nắm chắc tình hình dịch hại, hướng dẫn nông dân phòng trị
kịp thời.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, gần đây thời tiết có sự chênh lệch nhiệt độ khá cao giữa ngày và đêm, thuận lợi cho một số loại sâu bệnh phát triển, nhất là bệnh đạo ôn. Ngành Nông nghiệp các địa phương và nông dân cần hết sức chú ý và phải theo sát đồng ruộng để chủ động phòng tránh các loại sâu bệnh nhằm giảm chi phí sản xuất. Mùa lũ năm 2022 tương đối kéo dài, đồng ruộng được nghỉ ngơi nhiều và được bồi bổ phù sa, bà con cần chú ý sử dụng phân bón hết sức cân đối, hạn chế bón thừa phân đạm. Hiện đầu ra lúa gạo tương đối thuận lợi nhưng vẫn rất khó dự đoán giá cả đầu ra lúa gạo khi vào thời điểm thu hoạch tới đây. Ngành Nông nghiệp các địa phương cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ nông dân tăng cường lên kết với doanh nghiệp trong sản xuất tiêu thụ lúa và thực hiện tốt các hợp đồng bao tiêu lúa. Nông dân cần chủ động kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua lúa và quan tâm canh tác lúa theo hướng an toàn, sản phẩm đạt chất lượng cao để có đầu ra thuận lợi.

Theo Báo Cần Thơ