Huyện Vĩnh Thạnh tăng cường công tác nạo vét, khai thông dòng chảy, gia cố đê bao chuẩn bị sản xuất vụ lúa đông xuân sắp tới.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, vụ lúa thu đông này, toàn huyện Vĩnh Thạnh xuống giống trên 19.750ha. Đến nay, Vĩnh Thạnh đã thu hoạch trên 60% diện tích, với năng suất trung bình đạt 6,1 tấn/ha. Diện tích lúa thu đông còn lại tập trung ở các xã phía Bắc Cái Sắn, như: Thạnh An, Thạnh Thắng, Thạnh Lợi và sẽ cho thu hoạch dứt điểm vào đầu tháng 10 tới. Hiện giá lúa dao động từ 5.500-5.800 đồng/kg lúa tươi hàng hóa (cao hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 500 đồng/kg). Với giá lúa này cho thu nhập khá cao, bà con ở huyện Vĩnh Thạnh vui mừng, phấn khởi. Anh Trần Văn Bảy, ở xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Năm nay, lúa thu đông có giá, gia đình tôi và bà con trong xã thu lợi nhuận khá cao. Có đồng vốn, ngay sau khi thu hoạch, tôi trục trạc đất, diệt gốc rạ, cỏ và dự trữ nước mưa trong ruộng lúa để tạo nền đất mềm, thuận lợi cho sản xuất vụ lúa đông xuân kế tiếp. Năm nay, nước lũ về muộn nên rất khó khăn cho việc ngâm đất, vệ sinh đồng ruộng. Do đó, chúng tôi đón lũ và sẽ tranh thủ mở đồng khi nước về. Nếu nước ngập trong ruộng khoảng vài tuần, đất đủ phù sa, lúa đông xuân sẽ phát triển tốt...".
Là huyện đầu nguồn của TP Cần Thơ, hằng năm Vĩnh Thạnh có mực nước lũ về cao nhất so với các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố. Khi mùa nước lũ về, nông dân mở đồng đón lũ, hứng lấy phù sa, rửa trôi mầm bệnh, tránh đất bị ngộ độc hữu cơ gây hại cho vụ lúa sau. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Năm nay nước lũ về muộn, nông dân đã chủ động chuyển sang phương án mới, tập trung cày bừa, vệ sinh đồng ruộng và tranh thủ dự trữ nước mưa trên đồng…".
Nông dân ở huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: đến thời điểm này nước đỏ phù sa trên sông, rạch bắt đầu xuất hiện, nhưng vẫn còn ở mức thấp so với năm ngoái. Dự báo nửa đầu tháng 10-2020, nước lũ về, bà con sẽ tranh thủ mở cửa đê bao, đón nước lũ vào đồng.
Vụ lúa đông xuân 2020-2021, huyện Vĩnh Thạnh dự kiến xuống giống trên 25.100ha, năng suất bình quân ước đạt 6,8 tấn/ha, với tổng sản lượng khoảng 170.500 tấn. Ngành Nông nghiệp huyện đang tập trung hướng dẫn nông dân ứng dụng các kỹ thuật sản xuất tiên tiến như: "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" vào sản xuất. Đặc biệt quan tâm, hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa, không lơ là khi nước lũ về muộn… Để đảm bảo sản xuất lúa đông xuân trong những tháng nước lũ đổ về kết hợp triều cường lên cao, huyện Vĩnh Thạnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp, UBND các xã, thị trấn tiến hành họp dân thống nhất đóng góp kinh phí gia cố các đoạn đê bao, nạo vét, làm thủy lợi nội đồng... Đến nay, địa phương có 11/11 đơn vị thực hiện công tác thủy lợi với khối lượng nạo vét 57.223m3, đạt 104,04% so với kế hoạch, chi phí thực hiện 976,1 triệu đồng do nhân dân đóng góp...
Lịch thời vụ xuống giống lúa đông xuân 2020-2021 tại huyện Vĩnh Thạnh trong khoảng cuối tháng 11-2020, chủ yếu ở các xã phía Nam Cái Sắn. Đối với các xã phía Bắc Cái Sắn và phần diện tích còn lại của các xã Nam Cái Sắn chưa xuống giống sẽ tiến hành xuống giống từ khoảng đầu tháng 12 đến giữa tháng 12-2020. Lịch xuống giống có thể sớm hoặc muộn hơn vài ngày tùy vào tình hình thực tế rầy di trú cũng như diễn biến thời tiết, thủy văn, nhưng phải xuống giống dứt điểm trước ngày 30-12-2020.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, ở từng khu vực đê bao, ngành Nông nghiệp tổ chức họp dân để thống nhất lịch xuống giống cũng như những giải pháp cần thiết để liên kết nông dân thực hiện. Chính quyền địa phương, cán bộ khuyến nông phối hợp tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc thực hiện lịch thời vụ theo nguyên tắc tập trung, đồng loạt, né rầy cho từng cánh đồng, từng khu đê bao. Vì đây là giải pháp quan trọng góp phần giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, muỗi hành; đảm bảo thời gian cách ly giữa các vụ lúa ít nhất 2 đến 3 tuần...
Ông Nguyễn Ngọc Hiền cho biết: "Đây là vụ lúa quan trọng, do đó, huyện Vĩnh Thạnh tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, với số lượng lớn, an toàn thực phẩm trên nền tảng tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, cánh đồng lớn, hợp tác xã gắn với nhu cầu thị trường thông qua ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Đồng thời, thời gian xuống giống phải theo lịch thời vụ; áp dụng đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất, góp phần thắng lợi vụ lúa đông xuân 2020-2021 trên địa bàn huyện nhà".
Theo HÀ VĂN (Báo Cần Thơ)